Du khách ngày 4/8 nhìn trực thăng quân sự của Trung Quốc bay qua đảo Pingtan, một trong những điểm của Trung Quốc đại lục gần đảo Đài Loan của nước này nhất. Ảnh: Getty Images.
Tên lửa siêu thanh, máy bay tàng hình
Một số loại vũ khí mới nhất, tinh vi nhất của Trung Quốc bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và tên lửa siêu thanh Đông Phong (DF)-17, và một số tên lửa có thể được bắn qua đảo Đài Loan (Trung Quốc) - một động thái cực kỳ nóng. Global Times dẫn lời chuyên gia: " Các cuộc tập trận là chưa từng có vì các tên lửa thông thường của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) dự kiến sẽ bay qua đảo Đài Loan (Trung Quốc) lần đầu tiên. Lực lượng PLA sẽ tiến vào các khu vực trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo và cái gọi là đường trung tuyến sẽ không còn tồn tại".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập một loạt mục tiêu của các cuộc tập trận, bao gồm tấn công mục tiêu trên bộ và trên biển. “Các cuộc tập trận tập trung vào các buổi diễn tập quan trọng, bao gồm phong tỏa chung, tấn công mục tiêu trên biển, tấn công mục tiêu mặt đất, kiểm soát không phận, và khả năng chiến đấu tổng thể của binh sĩ đã được kiểm tra”, Xinhua ngày 4/8 dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh chiến khu miền Đông của PLA. Bộ Tư lệnh này phụ trách các khu vực gần Đài Loan (Trung Quốc).
Nhiều nguồn tin ở Đài Loan (Trung Quốc) nói rằng, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến. Một bản tin của hãng tin Đài Loan CNA (Trung Quốc) trích nguồn tin chính quyền hòn đảo này nói rằng, hai tàu chiến mạnh nhất của Trung Quốc, tàu khu trục Type 55, đã xuất hiện ngoài khơi phía trung tâm và đông nam của đảo Đài Loan (Trung Quốc), nơi gần nhất cách đất liền 60 km.
Máy bay chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20 của Trung Quốc: Ảnh: Airdatanews. |
Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) thông báo, Trung Quốc đã bắn nhiều tên lửa về phía vùng biển đông bắc và tây nam hòn đảo này hôm thứ Năm, khi Bắc Kinh hiện thực hiện lời đe dọa rằng Đài Bắc sẽ trả giá khi đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Bộ Tư lệnh chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc tuyên bố, nhiều tên lửa đã được bắn ra vùng biển ngoài khơi phía đông Đài Loan của nước này và đều trúng mục tiêu chính xác. "Toàn bộ nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật đã hoàn thành xuất sắc và việc kiểm soát khu vực trên không và trên biển hiện đã được dỡ bỏ", tuyên bố nêu rõ.
Phía Đài Loan (Trung Quốc) nói rằng, tên lửa tầm xa của Trung Quốc đã rơi gần các đảo Matsu, Wuqiu, Dongyin, thuộc eo biển Đài Loan, nhưng nằm gần Trung Quốc đại lục hơn là đảo chính của Đài Loan (Trung Quốc). Theo đó, tổng cộng 11 tên lửa Đông Phong đã được bắn tới các vùng biển phía bắc, nam và đông của hòn đảo trong khoảng thời gian từ 1h56 chiều tới 4h chiều (giờ địa phương).
Cuối ngày thứ Năm, các hình ảnh cho thấy máy bay trực thăng quân sự bay qua đảo Pingtan, một trong những điểm của Trung Quốc đại lục gần đảo Đài Loan (Trung Quốc) nhất. Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc), trong vòng vài giờ sau khi bà Pelosi rời Đài Bắc hôm thứ Tư, Trung Quốc đã điều hơn 20 máy bay chiến đấu qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, điểm giữa đại lục và đảo Đài Loan của nước này.
Tên lửa đạn đạo DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: Global Times. |
Tâm lý chiến?
Nhưng có rất ít bằng chứng chắc chắn do Trung Quốc cung cấp để chứng minh cho thông tin đăng trên Global Times. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc phát video máy bay chiến đấu cất cánh, tàu di chuyển trên biển và tên lửa đang bay, nhưng không thể xác minh ngày quay video đó.
Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể hiện thực hóa những gì họ đe dọa, như phong tỏa đảo Đài Loan (Trung Quốc). Ông Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại Đại học King's College (Anh), nói: “Thông báo chính thức (về việc phong tỏa) chỉ diễn ra trong vài ngày, điều này sẽ khiến việc thực hiện hóa trở nên khó khăn. Rất khó thực hiện phong tỏa, việc này cần nhiều thời gian. Cuộc tập trận này không phải vậy”.
Theo ông Patalano, tác động lớn nhất của các cuộc tập trận sẽ là tâm lý. “Trong khoảng thời gian tập trận diễn ra, tàu và máy bay có thể sẽ chuyển hướng để tránh khu vực này, nhưng đây là một trong những mục tiêu chính của các địa điểm đã chọn: Tạo ra sự gián đoạn, khó chịu và nỗi sợ hãi rằng điều tồi tệ hơn sẽ đến”, ông nhận định.
Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Pingtan hôm 4/8. Ảnh: Getty Images. |
Máy bay, tàu thuyền chuyển hướng
Các cuộc tập trận của Trung Quốc đã khiến lịch trình bay và đi tàu biển ở Đài Loan (Trung Quốc) bị gián đoạn, mặc dù hòn đảo này đang cố gắng giảm bớt tác động của chúng.
Lãnh đạo ngành giao thông vận tải Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đã đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản và Philippines để định tuyến lại 18 tuyến bay quốc tế (tổng cộng khoảng 300 chuyến bay) khởi hành từ hòn đảo này để tránh các cuộc tập trận bắn đạn thật của PLA.
Korean Air nói với CNN hôm 4/8 rằng họ đã hủy các chuyến bay từ thành phố Incheon (Hàn Quốc) đến Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến vào thứ Sáu và thứ Bảy vì lý do an toàn, trong khi Trung Quốc diễn tập quân sự. Các chuyến bay sẽ tiếp tục vào Chủ nhật. Hôm thứ Tư, Cục Hàng hải và Cảng Đài Loan (Trung Quốc) đưa ra ba thông báo, yêu cầu các tàu sử dụng các tuyến đường thay thế cho bảy cảng xung quanh hòn đảo.
Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Pingtan hôm 4/8. Ảnh: Getty Images. |
Các cuộc tập trận bắn đạn thật theo kế hoạch của Trung Quốc cũng gây ra sự bất an ở Nhật Bản. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng, các cuộc tập trận gây ra mối đe dọa đối với an ninh của đất nước ông.
Một trong sáu khu vực tập trận do Trung Quốc thiết lập nằm gần đảo Yonaguni của Nhật Bản, một phần của tỉnh Okinawa và chỉ cách bờ biển Đài Loan (Trung Quốc) 110 km. Khu vực tập trận tương tự của Trung Quốc cũng gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát.
"Đặc biệt, một khu vực tập trận đã được thiết lập ở vùng biển gần Nhật Bản, và nếu Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở một khu vực như vậy, điều đó có thể ảnh hưởng đến an ninh của Nhật Bản và người dân", ông Matsuno nói. Trong khi đó, quân đội Mỹ im lặng trước các cuộc tập trận của Trung Quốc và không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào cho các câu hỏi của CNN hôm 4/8.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 3/8 ở Đài Bắc. Ảnh: Getty Images. |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông hy vọng "Bắc Kinh sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng hoặc tìm cách ngụy tạo để gia tăng các hành động quân sự gây hấn". Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Mỹ tại Campuchia, ông Blinken cho biết Mỹ vẫn tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".
(theo CNN, Global Times, Xinhua, CCTV)