Cục Hải sự Chiết Giang trước đó thông báo trong khoảng thời gian 18-23.7, một khu vực gần cảng Chu San đến vùng biển phía đông thành phố Ôn Châu sẽ bị phong tỏa để phục vụ cho hoạt động quân sự.
Tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ trương của Nhân dân nhật báo) nêu rõ khu vực tập trận có kích thước bằng Đài Loan, và đây là cuộc tập trận phối hợp tác chiến mô phỏng một cuộc chiến thực với hòn đảo này.
Cũng theo báo này, biển Hoa Đông sẽ là một trong những chiến trường chính nếu Bắc Kinh-Đài Bắc thực sự nổ ra xung đột quân sự.
Động thái tập trận này tương phản với tuyên bố của Chủ tịch Tập trong cuộc gặp với ông Liên Chiến, cựu Chủ tịch Quốc dân đảng hôm 13.7.
Ông Tập phát biểu: “Chúng tôi có niềm tin cũng như khả năng để thúc đẩy phát triển quan hệ hai bờ một cách hòa bình, hướng tới thống nhất trong hòa bình”.
Một ngày trước khi quân đội Trung Quốc tập trận, Đài Loan đưa 15 chiếc trực thăng tấn công Apache AH-64E do Mỹ sản xuất vào biên chế, giúp tăng cường năng lực phòng vệ.
Giới quan sát nhận định cuộc tập trận là lời cảnh cáo gửi đến không chỉ Đài Loan mà cả Mỹ và Nhật Bản, hai nước thời gian qua có nhiều động thái siết chặt quan hệ với chính quyền Đài Bắc.
Đầu tháng 7 vừa rồi, Mỹ cho hai tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan. Theo nhà phân tích quân sự Chu Thần Minh, hành động này "làm quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, và quân đội Trung Quốc nên phản ứng kịp thời".
Nhà nghiên cứu Collin Koh của Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Nam Dương (Singapore) đánh giá việc Bắc Kinh chọn khu vực tập trận cho thấy nước này muốn gửi tín hiệu đến “các bên có liên quan eo biển Đài Loan”.
“Cuộc tập trận này nhằm cảnh cáo mối quan hệ Nhật-Đài cũng như sự ủng hộ mà Tokyo dành cho quân đội Mỹ trong những lúc Trung-Đài có căng thẳng”, theo nhà nghiên cứu Koh.