Trung Quốc tạo ra “Con đường tơ lụa mới” hàng nghìn tỷ USD để làm gì?

Tuệ Minh |

Đã 3 năm kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra chiến lược phát triển hợp tác với các đối tác châu Âu, “Con đường tơ lụa mới”, kế hoạch này là một phần trong đòn bẩy mà Bắc Kinh muốn sử dụng kinh tế để tối đa hóa ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Chính sách “Con đường tơ lụa mới” của ông Tập Cận Bình bao gồm hai phần: vành đai kinh tế trên đất liền và con đường tơ lụa hàng hải. Kế hoạch trên đất liền bao gồm các quốc gia nằm dọc con đường tơ lụa gốc thông qua khu vực Trung Á, Tây Á, Trung Đông và châu Âu. Bắc Kinh kêu gọi các nước này hợp tác sâu rộng hơn với hy vọng sẽ phát triển được một vùng kinh tế gắn kết.

Trong khi đó, con đường tơ lụa hàng hải là một dự án mở rộng, đi qua một số vùng biển lớn trên thế giới, bao gồm Biển Đông, vùng biển Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây được xem là biện pháp nhằm ngăn chặn Mỹ thâm nhập vào khu vực kinh tế mà Trung Quốc đang “làm bá chủ”.

Trung tâm của dự án “Con đường tơ lụa mới” là Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), “đối thủ” của Ngân hàng Thế giới do Mỹ “chống lưng”, có thể giúp Bắc Kinh tăng cường sức ảnh hưởng về chính trị lên khu vực, cùng lúc đó sẽ cho các nhà đầu tư châu Âu thêm cơ hội kinh doanh ở những vùng đất mới.

Trong những năm đầu, các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hơn 200 tỷ USD đã được lên kế hoạch xây dựng và thêm các dự án hơn 1 nghìn tỷ USD khác đã được phác thảo, khiến cho các dự án khác do Mỹ đầu tư dường như trở nên “bé nhỏ” hơn.

Việc sử dụng “con bài” kinh tế để theo đuổi ý định chính trị không phải là điều gì mới trên thế giới. Nhiều nhà phân tích đã so sánh nỗ lực của Trung Quốc với kế hoạch Marshall thời hậu Thế chiến II của Mỹ, một nỗ lực đầu tư kinh tế lớn vào châu Âu để ngăn chặn lục địa này bị “cộng sản hóa” dưới sức ảnh hưởng của Liên Xô.

Gần đây, Bắc Kinh cũng đã áp dụng một chiến lược tương tự tại châu Phi, kết quả là nhiều quốc gia lục địa đen này đã ủng hộ vị thế của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc hay lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Khi Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng ở châu Âu bằng cách tăng cường sức mạnh cho NATO bất chấp những thâm hụt kinh tế ngày càng gia tăng thì chắc chắn những bước tiến mà Trung Quốc đang dần đạt được thời gian qua cũng khiến Washington phải “dè chừng”.

Mới đây Sputnik đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư Ann Lee, chuyên gia về quan hệ kinh tế Trung Quốc tại ĐH New York, về những kế hoạch của Bắc Kinh nhằm “chiếu tướng” Washington trên sàn đấu toàn cầu.

Theo nhận định của giáo sư Lee, Trung Quốc đang sử dụng sức ảnh hưởng của mình như một cách thức để kết thúc cuộc chơi, đó là từ kinh tế tới chính trị, tuy nhiên đây không phải là một trò chơi có thể chấm dứt nhanh chóng.

“Trung Quốc đang lặp lại kế hoạch Marshall của Mỹ, hay nói cách khác Bắc Kinh chỉ đơn giản là đi theo dấu chân của Washington chứ chưa có nhiều cải tiến hay ý tưởng mới”, ông nói.

Ông Lee giải thích rằng Mỹ và châu Âu vẫn đang liên quan đến một bộ máy quản lý tài chính trên khắp thế giới, bao gồm các khoản vay của IMF hay Ngân hàng Thế giới đòi hỏi các nước tiếp nhận phải chấp thuận các điều khoản bao gồm minh bạch thị trường tài chính, áp dụng một số tiêu chuẩn quản lý nhất định cũng như đáp ứng các chuẩn mực về nhân quyền.

Vì vậy, không dễ dàng gì để có thể gỡ bỏ mối ràng buộc này trong một sớm một chiều.

Vậy, sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” sẽ tác động thế nào đến quan hệ Trung Quốc – châu Âu?

Ông Lee nhận định: “Tôi phải nói rằng mối quan hệ này đang ấm lên. Bắc Kinh tỏ ra khá quyết đoán về việc hợp tác với châu Âu thông qua rất nhiều thỏa thuận. Hai bên cũng đã tuyên bố những thỏa thuận này với Scotland, Italy và nhiều quốc gia khác”.

Ông Lee cho rằng châu Âu sẽ có nhiều lợi ích thông qua những hợp tác này do nền kinh tế tại khu vực thời gian qua không mấy sáng sủa cũng như châu lục này luôn khao khát khám phá các thị trường mới nổi.

“Bắc Kinh đang mở ra cho châu Âu một con đường để tiếp cận những thị trường đó, đây là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và cũng phải nói rằng Trung Quốc và châu Âu chỉ thúc đẩy các cuộc đàm phán này nếu họ nhìn thấy lợi ích cho riêng mình”, ông Lee nói.

Giáo sư Lee cho rằng, sự hợp tác này chắc chắn sẽ gặp một số trở ngại từ Hoa Kỳ bởi trước đây Mỹ đã phản đối châu Âu tham gia vào AIIB của Trung Quốc, vì vậy Washington vẫn sẽ cố gắng để ngăn không cho châu Âu tiến gần hơn với Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại