Nhóm phi hành gia Trung Quốc được đưa lên trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này hôm 17-6 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNBC, tàu vũ trụ Thần Châu 12 chở 3 phi hành gia được phóng đi bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền (JSLC) ở Đông Bắc Trung Quốc. Giám đốc JSLC Zhang Zhifen tuyên bố sứ mệnh thành công vào lúc 9 giờ 43 phút (giờ địa phương).
Trong 3 tháng làm việc trên trạm vũ trụ Thiên Cung, các phi hành gia sẽ thực hiện nhiều sứ mệnh (đi bộ ngoài không gian, thử nghiệm công nghệ...) để tiến tới hoàn tất xây dựng trạm không gian này vào cuối năm 2022 nhằm cạnh tranh với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Với Bắc Kinh, thăm dò không gian là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược cạnh tranh với Mỹ ở nhiều lĩnh vực công nghệ. Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) tuần rồi nhấn mạnh tham vọng khám phá không gian của Bắc Kinh đang tăng tốc với sứ mệnh tiếp cận sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, vào năm 2029.
Trong vài năm tới, theo Tổng Giám đốc CNSA Xu Hongliang, Trung Quốc sẽ khám phá một sao chổi, thu thập thêm mẫu vật từ mặt trăng, sao Hỏa và một tiểu hành tinh.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào sứ mệnh thăm dò sao Hỏa trước năm 2030, với mục tiêu tiếp theo trên "hành tinh đỏ" là thu thập và đưa mẫu vật về trái đất vào năm 2028. Tháng trước, Trung Quốc đã đáp thành công robot thám hiểm Zhu Rong xuống sao Hỏa trong diễn biến được mô tả là bước tiến quan trọng trong cuộc đua không gian với Mỹ.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn bắt tay với Nga lên kế hoạch cho các sứ mệnh không gian tham vọng nhằm cạnh tranh với Mỹ và các đối tác, mở ra kỷ nguyên mới trong cuộc đua không gian được dự đoán là khốc liệt chẳng kém giai đoạn đầu. Ngoài mục tiêu tiếp cận một tiểu hành tinh vào năm 2024, Bắc Kinh và Moscow còn đang hợp tác xây dựng một trạm nghiên cứu thường trực tại cực Nam của mặt trăng vào năm 2030.
"Trung Quốc có một chương trình đầy tham vọng. Họ có kế hoạch và nguồn lực để thực hiện chương trình này. Trong khi đó, Nga cần đối tác" - chuyên gia Alexander Gabuev của Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Moscow (Nga) nhận định.
Những thành công gần đây của chương trình vũ trụ Trung Quốc khiến Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson không khỏi lo ngại. Quan chức này gần đây thúc giục quốc hội Mỹ ủng hộ chương trình Artemis của NASA, theo đó đặt mục tiêu đưa con người trở lại mặt trăng và lên sao Hỏa.