Cải cách giáo dục tại Trung Quốc dẫn đến thời lượng học tiếng Anh giảm.
Những cải cách giáo dục tại Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã dẫn đến thời lượng dạy và học tiếng Anh giảm, kéo theo năng lực ngoại ngữ của thanh thiếu niên nước này rơi xuống mức thấp.
Theo bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh năm 2022 của Tổ chức EF, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 62, tương đương một quốc gia có trình độ thông thạo thấp. Con số này giảm từ vị trí 49 vào năm 2021 và 38 vào năm 2020, khi Trung Quốc được đánh giá có trình độ sử dụng tiếng Anh trung bình.
Với kết quả trên, Trung Quốc tụt lại so với Philippines ở vị trí 22, Malaysia ở vị trí 24, những quốc gia có trình độ thông thạo tiếng Anh cao. Đặc biệt, kết quả của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Singapore. Nước này đã tăng từ vị trí thứ 10 vào năm 2020 lên vị trí thứ 2 - tương đương một quốc gia có trình độ rất cao.
Báo cáo của EF phân tích: “Thanh niên Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản có trình độ tiếng Anh đặc biệt thấp so với nhóm dân số trên 30 tuổi. Sự sụt giảm thứ hạng của Trung Quốc trong năm 2022 là do nhóm dân số trẻ tuổi gây ra”.
Từ năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cấm các trường tiểu học và THCS sử dụng sách giáo khoa nước ngoài. Việc dạy tiếng nước ngoài chỉ chiếm 6 - 8% trong chương trình tiểu học và THCS, thấp hơn mức 20 - 22% dành cho tiếng Trung và 13 - 15% dành cho Toán học.
Các trường đại học không khuyến khích sử dụng tài liệu gốc hoặc dịch từ tiếng Anh. Về phía địa phương, chính quyền thành phố Thượng Hải, từ năm 2021 thông báo hủy bỏ việc kiểm tra tiếng Anh cuối kỳ để giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh.
Trước một loạt cải cách trên, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại con cái sẽ tụt hậu về kỹ năng sử dụng tiếng Anh so với bạn bè trên thế giới, dẫn đến trở ngại khi học tập và sinh sống tại nước ngoài.
Chị Qu Duanxian, sống tại thành phố Thành Đô, nhấn mạnh trong phương pháp giáo dục con cái của mình, chị vẫn tập trung vào tiếng Anh. Bà mẹ luôn nhắc nhở hai con về tầm quan trọng của tiếng Anh và cố gắng, nỗ lực ở môn học này.
Chị Qu chia sẻ: “Ngoại ngữ giúp mở rộng tầm nhìn của các con tôi như một công cụ để khám phá thế giới. Cho dù chúng làm nghiên cứu, đối ngoại hay đi du học, trình độ tiếng Anh vẫn rất quan trọng”.
Theo một số chuyên gia, phụ huynh Trung Quốc vẫn rất coi trọng tiếng Anh, bất chấp các cải cách của nhà nước. Do đó, việc thứ hạng của nước này sụt giảm trong bảng xếp hạng tiếng Anh thế giới sẽ thúc đẩy họ tìm kiếm phương án tăng cường vốn ngoại ngữ cho con cái. Trong đó, có phương án dạy thêm, học thêm “chui”, vốn đang bị chính phủ siết chặt.
Về phía các trường đại học, việc trình độ tiếng Anh của người Trung giảm có thể ảnh hưởng đến con đường quốc tế hóa giáo dục. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại nước này. Nhiều trường đại học cũng xây dựng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng dịch từ tài liệu giảng dạy trong nước thay vì sử dụng tài liệu nước ngoài.
Tuy nhiên, mục tiêu sẽ gặp trở ngại nếu người dân, nhất là thanh, thiếu niên, nước này không giỏi tiếng Anh, hạn chế cơ hội giao lưu và quảng bá văn hóa trong nước ra thế giới. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về năng lực cạnh tranh của thanh niên Trung Quốc trên môi trường quốc tế.
Theo SCMP