Trung Quốc sẽ trao “liều thuốc định tâm” cho nhà đầu tư nước ngoài?

Bích Thuận |

Theo ông Trương Nghiệp Toại, dự thảo Luật đầu tư nước ngoài là sự thay đổi mang tính căn bản về thể chế quản lý đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa 13 đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là việc Quốc hội nước này thông qua dự thảo "Luật đầu tư nước ngoài". Thời điểm bộ luật được thông qua trùng với thời gian Trung Quốc đàm phán để đi đến thỏa thuận với Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần 1 năm qua giữa hai bên, khi mà thời gian gia hạn cho lần đánh thuế mới của chính phủ Mỹ nhằm vào các sản phẩm của Trung Quốc có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Bộ luật có tốc độ lập pháp nhanh chưa từng có

Dự thảo "Luật đầu tư nước ngoài" được đưa ra xem xét, thảo luận và thông qua tại Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc lần đầu tiên vào ngày 23/12/2018, không lâu sau, ngày 30/01/2019, dự thảo luật này tiếp tục được thông qua lần hai và Quốc hội Trung Quốc sẽ chính thức thông qua bộ luật mới vào ngày 15/3 tới. Như vậy, toàn bộ quá trình xây dựng luật chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng, được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất trong lịch sử lập pháp của nước này.

Theo lịch trình, ngày 8/3, dự thảo luật này sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp Quốc hội và sẽ chính thức thông qua khi kỳ họp kết thúc. Vậy việc xem xét và thông qua bộ luật trong khoảng thời gian ngắn như vậy nói lên điều gì?

Theo Giáo sư Thiện An Hoa, Viện trưởng Viện Luật học Đại học giao thông Tây An cho rằng, việc sửa đổi "Luật đầu tư nước ngoài" mặc dù được đẩy nhanh trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng đây không phải là việc làm vội vã để đối phó với cuộc chiến này, nguyên nhân căn bản của việc làm này là cải cách mở cửa của Trung Quốc đã bước vào thời đại mới với phiên bản 2.0. Các bộ luật của 40 năm trước đã không còn phù hợp với xu thế và cần đổi mới. Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ chỉ là tác nhân bên ngoài và mang tính ngẫu nhiên, nguyên nhân nội tại và cũng là yếu tố mang tính quyết định vẫn là nhu cầu trong nước với việc đi sâu cải cách, đẩy mạnh mở cửa trong thời đại mới.

Ông cũng cho biết, bộ luật đã trưng cầu rộng rãi ý kiến chuyên gia và người dân, các điều khoản cụ thể đã thay đổi khá nhiều và thể hiện tinh thần lập pháp cởi mở, minh bạch, thận trọng và chuyên nghiệp. Ông nhận định, việc mở cửa với bên ngoài và đi sâu cải cách trong nước liên quan chặt chẽ với nhau, nên bộ luật mới không chỉ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư Trung Quốc, và đối tượng hưởng lợi "sâu sắc" không gì khác chính là nền kinh tế Trung Quốc.

Điều này cũng đã được ông Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này khẳng định. Ông cho biết, hệ thống phát luật về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng 3 đạo luật, gồm: Luật doanh nghiệp liên doanh vốn giữa Trung Quốc và nước ngoài, Luật doanh nghiệp hợp tác kinh doanh giữa Trung Quốc và nước ngoài và Luật doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Luật đầu tư nước ngoài mới sẽ thay thế 3 bộ luật trên.

Ông nói: "Gần đây, việc mở cửa đối ngoại và thu hút đầu tư nước ngoài đứng trước tình hình mới, 3 bộ luật cũ khó thích ứng được với nhu cầu xây dựng thể chế mới về xây dựng nền kinh tế mở. Việc ban hành Luật đầu tư nước ngoài mới thể hiện sự sáng tạo trong cơ chế luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, trở thành bộ luật mang tính nền tảng đối với công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trong thời đại mới".

Trung Quốc sẽ trao “liều thuốc định tâm” cho nhà đầu tư nước ngoài? - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong.

Bộ luật có những thay đổi nào đáng chú ý?

Theo ông Trương Nghiệp Toại, bộ luật này là sự thay đổi mang tính căn bản về thể chế quản lý đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, giúp nâng cao độ mở, độ minh bạch và tính có thể dự đoán của môi trường đầu tư nước này, đem đến sự đảm bảo về mặt pháp lý hữu hiệu hơn đối với sự hình thành và thúc đẩy cục diện mở cửa toàn diện mới ở Trung Quốc.

Theo đó, dự thảo Luật đầu tư nước ngoài quy định rõ về cơ chế quản lý theo danh mục cấm kết hợp với đãi ngộ quốc gia trong giai đoạn đầu triển khai đầu tư, xóa bỏ mô hình quản lý chế độ xem xét theo từng trường hợp; cấm hoặc hạn chế người nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực quy định trong danh sách, mở cửa đầu tư hoàn toàn cho các lĩnh vực ngoài danh sách, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Trung Quốc đều hưởng chế độ đãi ngộ như nhau; có quy định bảo hộ rõ ràng đối với các vấn đề như thu hồi và bồi thường, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ v.v...

Trong đó, đáng chú ý nhất là cơ chế quản lý theo danh mục cấm và đãi ngộ quốc gia trong giai đoạn đầu triển khai đầu tư được nêu trong điều 4 của dự án luật. Cơ chế này được coi là biểu hiện cụ thể của tự do hóa đầu tư và là biện pháp mang tính biểu tượng trong việc mở rộng hay đẩy mạnh mở cửa ở Trung Quốc kể từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đến nay, nhằm tăng cường kết nối về các quy tắc kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và quốc tế.

Việc thực hiện cơ chế này sẽ giúp giảm bớt các hạn chế khi tham gia vào thị trường Trung Quốc, nhiều lĩnh vực sẽ được nới lỏng hoặc xóa bỏ hạn chế đối với đầu tư nước ngoài như năng lượng, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistic, dịch vụ chuyên nghiệp... Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đối xử công bằng như các nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc ngay từ khi tham gia thị trường.

Cơ chế này đã được thí điểm thực hiện ở Trung Quốc từ năm 2013 tại Khu thí điểm mậu dịch tự do Thượng Hải. Sau khi Luật đầu tư nước ngoài ra đời, nó sẽ được áp dụng rộng rãi và toàn diện.

Ông Đào Cảnh Châu, ủy viên Ủy ban chuyên gia thương mại quốc tế thuộc Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết, trên thực tế, trong quá trình đàm phán Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ, phía Mỹ luôn yêu cầu Trung Quốc thực hiện cơ chế này trong suốt mười mấy năm qua. Đây là cách làm theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, trong điều 22 của dự thảo cũng nhấn mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm lợi dụng các biện pháp hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ. Trong đó, nội dung "nghiêm cấm lợi dụng các biện pháp hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ" là nội dung được bổ sung thêm sau này trên cơ sở dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi năm 2015. Đây được đánh giá là sự "phản hồi tích cực" của Trung Quốc trước những tranh cãi của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, trong dự thảo luật còn có những nội dung liên quan đến việc yêu cầu chính quyền các địa phương phải nghiêm túc thực thi, những ràng buộc trong việc xây dựng các văn bản quy phạm liên quan đến đầu tư nước ngoài, cũng như việc hoàn thiện các cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích và khiếu nại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Quyết tâm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và cam kết của chính phủ Trung Quốc

Trong Báo cáo công tác Chính phủ được trình bày tại kỳ họp Quốc hội lần này, Thủ tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nêu ra 10 nhiệm vụ trọng tâm mà chính phủ nước này phải thực thi trong năm 2019. Trong đó, nhiệm vụ thứ 9 là "Thúc đẩy mở cửa đối ngoại toàn phương vị, bồi dưỡng hợp tác kinh tế quốc tế và lợi thế cạnh tranh mới". Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nội dung công việc được liệt kê trong các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 của Trung Quốc là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và để làm được điều đó phải cho ra đời "Luật đầu tư nước ngoài".

Trung Quốc sẽ trao “liều thuốc định tâm” cho nhà đầu tư nước ngoài? - Ảnh 2.

Ông Ninh Cát Triết, Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Ninh Cát Triết, Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia Trung Quốc trong một cuộc họp báo tại kỳ họp cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hụt mạnh đầu tư nước ngoài trong năm 2019.

Đánh giá về "Luật đầu tư nước ngoài" sắp được thông qua, ông cho rằng, việc xác lập cơ chế thúc đẩy và bảo vệ đầu tư nước ngoài, quy định rõ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc lợi dụng các biện pháp hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ, sẽ là sự đảm bảo về mặt pháp lý một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn đối với quyền và lợi ích của đầu tư nước ngoài. Ông cam kết, sau khi Luật được thông qua, các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sẽ tăng cường ráo riết thực thi, nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư và hoạt động đầu tư nước ngoài.

Ông cũng khẳng định, trong năm 2019, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa các lĩnh vực như nông nghiệp, khai khoáng, chế tạo và dịch vụ, mở rộng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, đưa ra nhiều ưu đãi đối với những lĩnh vực trọng tâm như năng lượng mới, chế tạo hiện đại, hóa dầu, điện tử tin học..., những lĩnh vực được phép đầu tư 100% vốn nước ngoài cũng sẽ nhiều hơn. Hiện nay, Trung Quốc đang tiếp tục sửa đổi danh mục cấm với việc thu gọn các lĩnh vực bị cấm hoặc hạn chế đầu tư, cùng với đó là tiếp tục thí điểm việc đẩy mạnh mở cửa hơn nữa tại các Khu thí điểm mậu dịch tự do của Trung Quốc.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, thúc đẩy và bảo vệ các hoạt động đầu tư nước ngoài là nội dung nổi bật trong luật mới. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng, việc xây dựng Luật đầu tư nước ngoài sẽ giúp tạo dựng môi trường cơ chế cạnh trạnh công bằng, nâng cao hơn nữa mức độ tự do hóa, tiện lợi hóa đầu tư, thiết lập môi trường đầu tư nước ngoài hàng đầu quốc tế. Việc cho ra đời Luật này sẽ là liều thuốc định tâm đối với đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được đảm bảo chắc chắn hơn về mặt pháp lý"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại