Trong một bức thư gửi nhân viên nhân dịp Tết Trung thu vào ngày 21-9, Chủ tịch Hứa Gia Ấn của Evergrande nhấn mạnh công ty tự tin sẽ "bước ra khỏi thời điểm đen tối nhất". Ông Hứa đánh giá cao sự nỗ lực của nhân viên và trấn an rằng công ty sẽ khởi công lại các dự án trong thời gian sớm nhất có thể, bàn giao các dự án bất động sản đúng như cam kết.
Ông Hứa khẳng định sẽ hoàn thành trách nhiệm với người mua bất động sản, nhà đầu tư, đối tác và các tổ chức tài chính.
Tuy nhiên, ông Hứa không nói rõ công ty làm thế nào để có thể đạt được những mục tiêu đề ra. Evergrande đang cố gắng huy động vốn để thanh toán cho nhiều chủ nợ và nhà cung cấp của mình.
Chủ tịch Hứa Gia Ấn của tập đoàn Evergrande viết thư trấn an nhân viên rằng công ty sẽ sớm thoát khỏi tình hình khó khăn hiện nay. Ảnh: Reuters
Cổ phiếu Evergrande giảm thêm hơn 10% vào ngày 20-9 sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc cảnh báo rằng nếu không được xử lý, khoản nợ 305 tỉ USD của tập đoàn này có thể dẫn đến tổn thất trên diện rộng đối với hệ thống tài chính Trung Quốc.
"Bom nợ" bất động sản Evergrande kích hoạt làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro. Các thị trường đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh để ngăn chặn hiệu ứng domino đối với nền kinh tế toàn cầu song có lẽ điều đó khó xảy ra. Theo S&P Global Ratings, nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ không can thiệp để hỗ trợ trực tiếp cho Evergrande.
S&P nhận định: "Chúng tôi tin Bắc Kinh sẽ chỉ phải can thiệp nếu có rủi ro lây lan sâu rộng khiến hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn sụp đổ và tạo ra rủi ro hệ thống lớn đến nền kinh tế. Nếu chỉ Evergrande gục ngã thì khó có khả năng kịch bản giải cứu sẽ xảy ra".
Chính phủ Trung Quốc gần như giữ im lặng về cuộc khủng hoảng tại Evergrande và không hề đề cập đến những rắc rối của công ty trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
Dự án chung cư của Tập đoàn Evergrande ở TP Quảng Châu. Ảnh: Reuters
Ông Andrew Left, người sáng lập công ty Citron Research (Mỹ) đồng thời là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới về bán khống, nói với Reuters: "Tôi nghĩ vốn chủ sở hữu của Evergrande sẽ bốc hơi, khoản nợ có vẻ như đang gặp khó khăn để thanh toán và chính phủ Trung Quốc sẽ để cho doanh nghiệp này phá sản. Thế nhưng, tôi không nghĩ rằng đây sẽ là giọt nước tràn ly phá hỏng nền kinh tế toàn cầu".
Trong một kịch bản khác, ngân hàng Hà Lan ING cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ giúp Evergrande ít nhất có được một số vốn nhưng Evergrande có thể phải bán một số cổ phần cho bên thứ ba, chẳng hạn một doanh nghiệp nhà nước.
Những nhà phân tích cho rằng "mối lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro tiềm ẩn lan tràn" từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, khiến họ xem xét khả năng cạn kiệt thanh khoản đối với các nhà phát triển tư nhân do khó khăn trong việc vay tín dụng ngân hàng.