Bài xã luận trên tờ Hoàn cầu cảnh báo: "Nếu Triều Tiên phóng tên lửa đe dọa Mỹ và Mỹ trả đũa, Trung Quốc sẽ đứng ở vị trí trung lập. Nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tấn công trước và cố lật đổ chế độ Triều Tiên cũng như thay đổi mô hình chính trị trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ngăn họ làm như vậy".
Lời cảnh báo được đưa ra giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên. Mức độ của cuộc khủng hoảng hạt nhân được nhấn mạnh khi trợ lý Nhà Trắng, ông Sebastian Gorka, so sánh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên những ngày qua tương đương cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, đã nhắc lại lời kêu gọi các bên hãy bình tĩnh trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Việc đưa ra những lời cảnh báo của Trung Quốc được cho là thể hiện sự thất vọng của Bắc Kinh trước các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như các động thái quân sự của Hàn Quốc và Mỹ, mà theo chính quyền Bắc Kinh, là nguồn cơn khiến căng thẳng leo thang.
Tờ Hoàn cầu cũng cho biết, Bắc Kinh đã không thể thuyết phục Washington hoặc Bình Nhưỡng thoái lui.
Trung Quốc từ lâu đã lo ngại rằng bất cứ xung đột nào trên Bán đảo Triều Tiên, hoặc lặp lại cuộc chiến tranh liên Triều 1950 - 1953, có thể khiến làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới vào Trung Quốc.
Tờ Hoàn cầu nói rằng, Trung Quốc sẽ "chống lại việc thay đổi hiện trạng khu vực, nơi mà Trung Quốc có lợi ích. Bán đảo Triều Tiên là nơi mà các lợi ích chiến lược của tất cả các bên đều hội tụ, và không bên nào được phép thống trị tuyệt đối".
Trong khi căng thẳng ở khu vực leo thang, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với hàng chục tàu, máy bay chiến đấu và tàu ngầm bên bán đảo Triều Tiên hôm 7/8.
Trong khi đó, Nga đã chuyển các thiết bị quân sự bao gồm trực thăng và máy bay chiến đấu đến biên giới phía nam, giáp Triều Tiên hồi đầu năm nay. Moscow đã thể hiện sức mạnh quân sự hùng mạnh của mình tại cuộc tập trận ở Siberia trong tuần này và trong một cuộc diễu hành hải quân lớn ở Vladivostok, cách lãnh thổ Triều Tiên khoảng 100 dặm.
Trái lại, Đức, Australia và EU lại đứng về phía Mỹ. Trong khi cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Triều Tiên đang lên đỉnh điểm, chính phủ Đức đã yêu cầu cả hai bên nên kiềm chế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer nói với các phóng viên: "Chúng tôi đang theo dõi sự leo thang ngày càng tăng trên Bán đảo Triều Tiên".
Ông Schaefer cho biết thêm, Berlin đã bị thuyết phục rằng "một lựa chọn quân sự' không thể là "câu trả lời trong cuộc tìm kiếm miễn trừ vũ khí hạt nhân ở Đông Á".
Đại diện Bộ Ngoại giao Đức cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "thực hiện triệt để" các lệnh trừng phạt mới nhất đối với Triều Tiên mới được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn: "Tất cả chúng ta đều phải tiếp tục nỗ lực ngoại giao - đó là cách duy nhất để đảm bảo rằng mối đe dọa của chương trình hạt nhân bất hợp pháp của Triều Tiên phải dừng lại".
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói rằng, Australia sẽ đến trợ giúp Mỹ nếu bị Triều Tiên tấn công ngay sau khi Bình Nhưỡng vạch ra các kế hoạch bắn tên lửa gần lãnh thổ Guam của Mỹ.
"Mỹ không có đồng minh nào mạnh mẽ hơn Australia", ông Turnbull nói với đài phát thanh thương mại Melbourne 3AW.
"Chúng tôi có thỏa thuận ANZUS và nếu xuất hiện một cuộc tấn công vào Australia hoặc Mỹ thì nước này phải có trách nhiệm hỗ trợ nước kia. Nếu Triều Tiên thực hiện cuộc tấn công vào Mỹ, hiệp ước ANZUS sẽ được kích hoạt".
Liên minh châu Âu cũng cho biết, căng thẳng ở Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nói rằng, sự căng thẳng này là "mối lo ngại lớn của EU".