Trung Quốc sắp phóng chiến binh “xuyên thời gian” 13 tỉ năm

Anh Thư |

Một "chòm sao" nhân tạo với tầm nhìn cực xa vào không gian sâu được Cơ quan Quản lý vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) kỳ vọng mở ra cánh cửa đi ngược về thời điểm vũ trụ mới hình thành.

Theo tờ Space, mục tiêu của CNSA là quan sát các vật thể ra đời trong vài trăm triệu năm đầu tiên sau vụ nổ Big Bang (13,8 tỉ năm trước), chính là sự kiện khai sinh ra vũ trụ.

Họ dự định sẽ đạt được điều đó bằng Hongmeng, một chòm sao vệ tinh tối tân gồm 1 vệ tinh mẹ và 8 vệ tinh con chạy bằng năng lượng mặt trời, dự kiến sẽ hiện diện quanh quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2026.

Trung Quốc sắp phóng chiến binh “xuyên thời gian” 13 tỉ năm - Ảnh 1.

Ảnh đồ họa mô tả chòm sao vệ tinh Hongmeng mà Trung Quốc dự định phóng - Ảnh: CNSA

Dự án Hongmeng còn được gọi là dự án "Khám phá bầu trời với bước sóng dài nhất", với tầm nhìn được tối ưu hóa không chỉ bằng sức mạnh quan sát vượt trội, mà còn bởi vị trí đặc biệt vô cùng thuận lợi.

Một kính viễn vọng đặt trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất hoặc bay quanh quỹ đạo của nó sẽ giúp các nhà khoa học nhìn thấy bức xạ vũ trụ trong một phổ điện từ không thể nghiên cứu được từ mặt đất: Sóng vô tuyến dài hơn 10 m, tức tần số dưới 30 MHz.

Tần số đó - "cửa sổ điện từ cuối cùng của vũ trụ" sẽ cung cấp thông tin về "Thời đại tăm tối"- là khoảng thời gian vài trăm triệu năm đầu tiên của vũ trụ, khi vũ trụ non trẻ tràn ngập sương mù hydro tưởng chừng không thể xuyên thủng.

Tuy nhiên bản thân hydro nguyên tử phát ra một loại tín hiệu gọi là "vạch 21 cm", từng được ứng dụng để quan sát những thứ ở gần hơn.

Việc quan sát vũ trụ sơ khai gặp khó khăn vì hiệu ứng dịch chuyển đỏ tạo ra bởi sự giãn nở của vũ trụ cũng "kéo giãn" bức xạ điện từ từ các vật thể xa xôi, do đó nó đến được Trái đất với bước sóng quá dài, khiến các kính thiên văn khác không còn "thấy" được.

Để "xuyên thời gian" về vũ trụ sơ khai, hệ thống quan sát của Trung Quốc cũng tận dụng quy luật vật lý cơ bản giống các kính viễn vọng khác như James Webb, Hubble của NASA: Mọi hình ảnh chúng ta thấy được đều có độ trễ nhất định, là quãng thời gian mà ánh sáng cần để hắt từ vật thể đó đến với chúng ta.

Vì vậy, hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy về một vật thể cách xa hàng tỉ năm ánh sáng cũng là hình ảnh của hàng tỉ năm trước. Chỉ cần quan sát đủ xa, các kính viễn vọng có thể chạm tới vũ trụ sơ khai hơn 13 tỉ năm về trước.

Các kỷ lục quan sát về thế giới xa và xưa nhất vũ trụ hiện thuộc về James Webb, nhưng nó vẫn còn cách thời điểm xảy ra vụ nổ Big Bang vài trăm triệu năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại