Trung Quốc "săn" quần đảo Thái Bình Dương

Thu Hằng |

Mặt trận mới nhất của Bắc Kinh trong tham vọng tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu rơi vào một loạt quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương

Sự hiện diện đậm đặc của Trung Quốc trên những con phố chật hẹp và ồn ào ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea (PNG) khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Dùng tiền mua ảnh hưởng

Từ công trình tòa án quốc gia tới những con đường nhựa mới đều đang do các doanh nghiệp Trung Quốc, như Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc hay Tập đoàn Kỹ thuật Cảng biển Trung Quốc, xây dựng.

"Dần dần, họ lấy đi từng chút các mảng kinh doanh của chúng tôi" - ông Martyn Namorong, người đứng đầu chiến dịch bảo vệ việc làm và các cộng đồng địa phương, ngao ngán. "Người dân của chúng tôi không thể cạnh tranh với họ".

Không ít người chia sẻ mối lo này của ông Namorong giữa lúc Trung Quốc tăng cường đổ tiền vào hạ tầng ở PNG, đồng thời mang theo lao động từ quốc gia đông dân nhất thế giới tới thay vì sử dụng nhân lực địa phương. Quốc đảo Thái Bình Dương với dân số 8 triệu người này là mục tiêu mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực giành ảnh hưởng toàn cầu.

Theo đuổi tham vọng đó, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp và sự lên án của cộng đồng quốc tế khi xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở biển Đông, hay lập căn cứ quân sự ở châu Phi cùng một kế hoạch thương mại và hạ tầng tham vọng mở rộng trên 3 lục địa.

Theo Bloomberg, sự tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở các đảo Thái Bình Dương nằm rải rác trên hàng ngàn dặm biển, trong đó có Fiji, Niue và Timor Leste, đang khiến Mỹ và Úc lo ngại.

Khu vực này từng giữ vai trò chủ chốt trong Thế chiến II và tới nay vẫn nắm vị trí chiến lược trong chiến dịch duy trì tự do hàng hải của các nước phương Tây. Đối với Bắc Kinh, khu vực này là kho nguyên liệu thô quý giá, từ khí đốt tới gỗ.

Trung Quốc săn quần đảo Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Bảng quảng cáo cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc bên ngoài sân bay tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea Ảnh: BLOOMBERG

Chuyên gia cấp cao về các vấn đề châu Á Eric Brown tại Viện Hudson (Mỹ) nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến sự đột biến trong các khoản đầu tư theo chỉ đạo của nhà nước Trung Quốc và một sự dịch chuyển vốn lớn ở Thái Bình Dương. Những diễn biến này rõ ràng có ý đồ chiến lược".

Vạch rõ đây là những phương pháp kinh tế kiểu vay mượn "săn mồi", vị chuyên gia nhấn mạnh chủ quyền của các "con mồi" nói trên ở Thái Bình Dương có thể bị tổn hại. Thực trạng này tạo mối đe dọa quân sự tới những nước như Úc và ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trong khu vực.

Các hoạt động cho vay của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường từ lâu khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại về khả năng trả nợ của những nước nghèo đối với những khoản nợ ngày càng chồng chất.

Ví dụ cụ thể nhất phải kể tới trường hợp Sri Lanka: Chính phủ nước này phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota 99 năm để "cấn trừ" nợ.

Hiện diện quân sự

Hiện Trung Quốc là "chủ nợ" lớn nhất của PNG. Dự kiến tới cuối năm nay, số khoản vay "ưu đãi" mà quốc đảo giàu tài nguyên này tiếp nhận từ nền kinh tế số 2 thế giới lên tới 1,9 tỉ USD, chiếm gần 1/4 tổng nợ PNG, trong khi các tổ chức tài chính uy tín không ngừng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Tây Nam Thái Bình Dương này.

Theo IMF, nhiều nước khác đang được Trung Quốc đầu tư trong khu vực, như Samoa, Tonga và Vanuatu, cũng đối mặt nguy cơ vỡ nợ ở mức từ trung bình tới cao.

Tuy dòng tiền của Trung Quốc vào Thái Bình Dương chỉ chiếm một phần nhỏ trong gói trợ cấp 350 tỉ USD nước này rải khắp toàn cầu từ năm 2000 nhưng vẫn là những khoản vay đáng kể đối với các quốc gia nhỏ bé trong khu vực (phần lớn đều có dân số chưa đến 1 triệu người).

Cho rằng Trung Quốc đang dùng tiền mua ảnh hưởng, chuyên gia Hugh White tại Trường ĐH Quốc gia Úc khẳng định không còn nghi ngờ gì về khả năng Trung Quốc tìm cách thiết lập hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương trong tương lai.

Tình hình trên đe dọa làm xấu thêm quan hệ của Trung Quốc với Úc - vốn xem khu vực này là sân sau ngoại giao. Úc đang ngày càng quyết liệt với các hành động gây ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Theo Reuters, quan hệ giữa Úc với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc chuẩn bị bước vào thời gian "thử thách" khi Canberra sắp sửa thông qua luật chống sự can thiệp của nước ngoài - một bước đi được cho là nhằm ngăn Bắc Kinh can dự vào chuyện nội bộ nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại