Vệ tinh có tên Yunhai-1 04, được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc và sớm đi vào quỹ đạo định sẵn. Vệ tinh sẽ cung cấp các thông tin về môi trường khí quyển, biển, không gian, hỗ trợ ngăn ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như hỗ trợ các thí nghiệm khoa học.
Vụ phóng đánh dấu sứ mệnh thứ 491 của dòng tên lửa Trường Chinh.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-6 mang theo vệ tinh Yaogan-40 được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trước đó, vào ngày 10/9, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh viễn thám mới từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Tnước này. Phiên bản sửa đổi dòng tên lửa đẩy Trường Chinh -6 mang theo vệ tinh Yaogan-40 đã được phóng đi lúc 12h30 (giờ Bắc Kinh). Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo định trước.
Vệ tinh này sẽ được sử dụng để phát hiện môi trường điện từ và tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật liên quan. Vụ phóng này là sứ mệnh thứ 487 được thực hiện bởi tên lửa đẩy Trường Chinh.
Hôm 21/8, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết đã phóng thành công vệ tinh quan sát Trái đất vào không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền.
Vệ tinh thế hệ mới này có tên gọi Gaofen-12-04, được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Trinh-4C vào lúc 1h45 sáng (giờ Bắc Kinh) và đã bay vào quỹ đạo thành công. Vệ tinh này sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quy hoạch hóa đô thị, thiết kế mạng lưới đường bộ, ước tính năng suất cây trồng và cảnh báo thiên tai.
Việc phóng vệ tinh quan sát Trái Đất thế hệ mới này đánh dấu sứ mệnh bay lần thứ 484 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh.
Bắc Kinh đã và đang tích cực phát triển chương trình không gian quốc gia của mình, bao gồm kêu gọi xây dựng một mạng lưới vệ tinh tích hợp phục vụ các mục đích liên lạc, viễn thông và điều hướng, cũng như phát triển công nghệ thám hiểm mặt trăng.
Đồng thời, các chuyên gia Trung Quốc đang thực hiện dự án nghiên cứu và khám phá tiểu hành tinh cũng như Sao Hỏa. Theo đó, nước này đã hoàn thành xây dựng một trạm vũ trụ Thiên Cung, một trạm vũ trụ hoàn toàn do Trung Quốc xây dựng và điều hành, mở cửa cho hợp tác quốc tế.
Vào năm 2022, Trung Quốc đã thực hiện 64 lần phóng, đứng thứ hai sau Mỹ với 87 lần.