Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vào lúc 08h44 (theo giờ địa phương), ngày 25/9, Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) “hạ cánh chính xác xuống vùng biển đã định trước” trên biển khơi.
“Vụ phóng tên lửa này là một hoạt động thường kỳ trong chương trình huấn luyện quân sự hàng năm của Lực lượng Tên lửa. Nó thực sự kiểm tra hiệu suất của vũ khí, thiết bị và trình độ huấn luyện của quân đội", theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Một ICBM thường có tầm bắn lớn hơn 5.500km (3.420 dặm) và được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
ICBM mới nhất của Trung Quốc được biết đến là DF-41, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2017 và có tầm hoạt động lên tới 12.000–15.000km (7.460–9.320 dặm), có khả năng vươn tới lục địa Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên sau 44 năm, Trung Quốc được biết là đã tiến hành thành công một cuộc thử nghiệm ICBM trong khí quyển. Cuộc thử nghiệm đầu tiên của ICBM Trung Quốc diễn ra vào tháng 5/1980, khi một tên lửa DF-5 bay được hơn 9.000km. Kể từ đó, hầu hết các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đều được tiến hành dưới lòng đất.
Vụ thử ICBM của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các hoạt động tên lửa đang gia tăng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tháng này, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bay về phía Biển Nhật Bản hoặc Biển Đông.
Vào tháng 4, Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung (MRC) trong cuộc tập trận chung với Philippines.
Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được triển khai ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kể từ hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 giữa Hoa Kỳ và Liên Xô khi đó, trong đó cấm các tên lửa đất đối không có tầm bắn từ 500km đến 5.500km.