Theo đó, một bài bình luận trên tờ China Space News của Trung Quốc cho rằng SpaceX đang đi đầu trong cuộc cách mạng và định hình lại ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.
Bài viết cho biết thêm rằng nhà thầu không gian chính thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), "rõ ràng đang tụt hậu" so với công ty có trụ sở ở California về một số mặt, bao gồm triết lý phát triển, mô hình nghiên cứu và sản xuất, công nghệ tên lửa cốt lõi và hiệu quả kinh tế.
Tên lửa Falcon và các phát triển khác của SpaceX được xác định là thách thức chính đối với nỗ lực thống trị không gian của Trung Quốc. (Ảnh: AP)
SpaceX được Elon Musk thành lập vào năm 2002 để cắt giảm chi phí phóng và giúp chuyến bay vào vũ trụ trở nên hợp lý hơn.
Sản phẩm của hãng bao gồm tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon. SpaceX cũng đang phát triển Starship, một hệ thống phóng siêu nặng có thể tái sử dụng hoàn toàn và internet vệ tinh Starlink.
Lấy cảm hứng từ SpaceX, CASC và các công ty hàng không vũ trụ khác ở Trung Quốc đã và đang nghiên cứu các phiên bản Starship và Starlink của riêng họ để cạnh tranh với công ty Mỹ - tên lửa đẩy siêu nặng Trường Chinh 9 và Guo Wang Network.
Trong số hơn 180 vụ phóng thành công của năm 2022, có 61 vụ được thực hiện bằng tên lửa Falcon của SpaceX, so với 53 vụ của dòng tên lửa Trường Chinh thuộc CASC. Trong bảng xếp hạng các quốc gia, Mỹ cũng dẫn đầu với 78 vụ phóng, tiếp theo là Trung Quốc với 64 vụ và Nga 21 vụ.
Phó chủ tịch của SpaceX Bill Gerstenhaber phát biểu tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 10, cho biết công ty đã và đang làm việc “siêng năng” để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực không gian trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc.
“Trên toàn cầu, Falcon là hệ thống phương tiện duy nhất có thể theo kịp nhịp độ phóng cao ở Trung Quốc. Từ góc độ khối lượng đến quỹ đạo, Falcon đều tỏ ra vượt trội hơn" , ông Gerstenhaber nói và nhấn mạnh rằng nếu không có sự đổi mới nhanh chóng của SpaceX, Trung Quốc đã có thể vượt trội hơn Mỹ.
“Ngoại trừ SpaceX, Trung Quốc đã phóng gấp gần 3 lần so với phần còn lại của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ cộng lại trong nửa đầu năm 2023, và mang khối lượng lên quỹ đạo gấp gần 8 lần so với tất cả các nhà điều hành vụ phóng khác của Mỹ” , ông Gerstenhaber nói.
Bài bình luận của China Space News nhắc lại mốc thời gian cho các ưu tiên tiếp theo của Trung Quốc, bao gồm việc đưa các phi hành gia nước này lần đầu tiên lên mặt trăng và trả lại các mẫu đá từ sao Hỏa. Cả hai dự án đều dự kiến không muộn hơn năm 2030.
“Đến năm 2045, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới và sử dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vũ trụ để thúc đẩy sự phát triển chung. Mục tiêu là xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai và đóng góp vào sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại” , bài viết cho hay.
(Nguồn: SCMP)