Phát minh của Trung Quốc
Một nhóm các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho biết, họ đã phát triển một loại "áo choàng tàng hình" có thể che giấu các mục tiêu quân sự mặt đất khỏi các vệ tinh radar do thám.
Việc giấu các đối tượng khỏi các radar quân sự tiên tiến là rất khó vì chúng có thể phát hiện vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng không thể nhìn thấy đối với máy ảnh thông thường và có thể xác định các vật phẩm nhỏ hơn hộp đựng giày từ không gian.
Không giống như vệ tinh kính thiên văn chỉ hoạt động vào ban ngày, vệ tinh radar cũng có thể tạo ra những bức ảnh rõ nét vào ban đêm.
Thiết bị mới này do một nhóm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Không quân ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc sản xuất, là một mảnh vải có thể co giãn để vừa vặn gần như hoàn hảo trên nhiều loại vật dụng khác nhau như xe tăng, pháo hoặc đài radar.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Xu Hexiu và nhóm của ông, chính sự linh hoạt này có thể giúp vật thể gần như vô hình ngay cả với các vệ tinh radar. Họ tuyên bố rằng một vật thể được phủ lớp vải choàng sẽ trông giống như “một bãi đất trống”.
Công nghệ che giấu máy bay chiến đấu tàng hình và các máy bay chiến đấu khác khỏi radar đã tồn tại từ lâu, nhưng nó không hoạt động trên mặt đất vì tín hiệu radar bị dội ngược trở lại sau khi tiếp xúc với mặt đất.
Điều này có nghĩa là các vật thể như xe tăng được phủ bằng vật liệu được sử dụng trên máy bay chiến đấu tàng hình - với nguyên lý hoạt động là hấp thụ tín hiệu radar hoặc sử dụng cấu trúc hình học để làm chệch hướng sóng vô tuyến - sẽ trở nên lộ liễu vì chúng tạo nên sự tương phản không tự nhiên với không gian nền xung quanh.
Lớp phủ tàng hình được làm từ nhiều lớp vật liệu mỏng, bao gồm các mạch làm gián đoạn tín hiệu radar. Ảnh: Đại học Kỹ thuật Không quân Trung Quốc
Nhưng Xu và các đồng nghiệp của ông lập luận rằng có một cách khác là thay đổi độ tương phản tín hiệu để nó giống với sự tương phản do cảnh quan tự nhiên tạo ra.
Lớp phủ choàng tàng hình có nhiều lớp. Mặt trên là một lớp vải mỏng mang nhiều mạch in có thể tương tác với sóng điện từ.
Nhóm của ông Xu đã sử dụng công nghệ in 3D độc đáo có thể vẽ các mạch trên một mảnh vải mềm mỏng như sợi tóc người với độ chính xác cực cao.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thêm nhiều lớp khác, bao gồm nhựa và kim loại mỏng, để tạo ra thứ mà họ gọi là "bề mặt meta" có thể thay đổi hướng của tín hiệu phản hồi để mô phỏng cách tín hiệu radar tiếp xúc với đất bình thường.
Theo ông Xu, nhiều siêu vật liệu đã được phát triển để đánh lừa vệ tinh radar, nhưng không loại vật liệu nào có thể di chuyển tự do và dễ dàng như lớp phủ mới.
Khi sóng radar chạm vào một vật thể không đều, chúng sẽ phản xạ trở lại theo nhiều hướng khác nhau cho phép máy tính xác định kích thước và hình dạng của nó bằng cách đo sự khác biệt trong tín hiệu.
Nhưng khi các nhà nghiên cứu kiểm tra hiệu suất của thiết bị trong một bài mô phỏng, các sóng đập vào lớp phủ trở lại theo một kiểu đồng nhất tương tự như sóng từ mặt đất bằng phẳng.
Khoảng cách từ radar đến mục tiêu càng xa thì khả năng bị phát hiện nhiễu càng thấp.
Các nhà khoa học cũng cho biết công nghệ này có thể chống lại tác động của việc radar vệ tinh thay đổi cường độ và góc của chùm tia để tiết lộ thêm chi tiết về mục tiêu.
Theo một ước tính dựa trên dữ liệu thực tế, công nghệ ngụy trang có thể bảo vệ hơn 80% mục tiêu quân sự khỏi bị tên lửa tiêu diệt, theo một nhà khoa học radar từ Viện Công nghệ Bắc Kinh tiết lộ trong một chương trình quân sự.
Tuy nhiên, thiết bị do nhóm của ông Xu phát triển không hoạt động như một vật dụng độc lập như một thứ trong phim khoa học viễn tưởng hay chiếc áo tàng hình trong bộ truyện Harry Potter, nhà nghiên cứu cho biết.
Ông nói: "Nó cần phải kết hợp với các phương pháp khác bao gồm giảm nhiệt lượng, ngụy trang quang học và mồi nhử để đạt được hiệu quả mong muốn".