Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Hoàng Chi Phong có mặt tại Mỹ và kêu gọi Washington phải có động thái cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong – nhân vật bị Trung Quốc coi là “đầu mục nổi loạn” còn phương Tây coi là “nhà hoạt động dân chủ” đã có mặt tại Mỹ từ tuần trước. Sau khi đặt chân tới Mỹ, Hoàng Chi Phong đã có buổi phát biểu trước 200 sinh viên tại trường Đại học Columbia và có dịp kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông năm 2019 và thúc giục Tổng thống Mỹ lồng ghép điều khoản nhân quyền trong mỗi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Chuyện này đã được các phóng viên chất vấn trong buổi họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua, 16.9. Phóng viên đặt câu hỏi: “Nhà hoạt động Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã thúc giục nước Mỹ đưa điều khoản nhân quyền vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc và đã tìm kiếm sự ủng hộ của Washington cho phong trào dân chủ thành phố (Hồng Kông). Bộ Ngoại giao có bình luận gì về điều này?"
Bà Hoa Xuân Oánh – phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Cá nhân mà bạn đề cập là một công dân Trung Quốc, nhưng người này đã bôn ba khắp nơi để cầu xin sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macao của Hội đồng Nhà nước đã chỉ ra bản chất về hành động của người này. Người này không có tư cách để đưa ra quan điểm bừa bãi về quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ. Lập trường của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông và tham vấn thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ là nhất quán và rõ ràng. Tôi sẽ nhắc lại rằng các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không có chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài nào có quyền can thiệp. Những người chống Trung Quốc, những người cố gắng gây rối ở Hồng Kông, và những người cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thân bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của nước ngoài, chắc chắn sẽ thất bại”.
Vào thứ 3 hôm nay, Hoàng Chi Phong dự kiến sẽ tham dự phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về Dự luật Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông năm 2019. Người thanh niên 22 tuổi này cũng sẽ gặp Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, người đã giới thiệu dự luật vào tháng 6.
Khả năng Quốc hội Mỹ hay ít nhất là thượng viện thông qua không hề nhỏ. Trước đó, Thượng viện Mỹ hôm 11.9 đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương (Trung Quốc).
Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc.
Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành các lệnh trừng phạt hoặc lên án Bắc Kinh. Điều đáng nói, dự luật nói trên cũng được khởi xướng bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio.