"Trung Quốc kêu gọi Mỹ hãy hiểu rõ bản chất nhạy cảm và gây hại của vấn đề, tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc cũng như 3 thông cáo chung Mỹ-Trung Quốc đồng thời kiềm chế không bán các chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan, ngừng ngay các hoạt động bán vũ khí cũng như các mối quan hệ quân sự với Đài Loan”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi Mỹ thông qua một cách không chính thức việc bán đến 66 chiếc chiến đấu cơ F-16 với trị giá lên tới 8 tỉ USD cho VLT Đài Loan. Đây là thỏa thuận bán vũ khí rất lớn mà Mỹ dành cho Đài Loan. Thông tin về vấn đề này đã được báo chí Mỹ tiết lộ hôm 16/8.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện tại vẫn từ chối bình luận về thông tin Mỹ bán 8 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan. Trong khi đó, các thành viên Quốc hội Mỹ đến từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều hoan nghênh đề xuất của chính quyền Trump.
Chủ tịch và một thành viên cấp cao hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - Eliot Engel và Michael McCaul cho biết trong một tuyên bố rằng, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan “sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với an ninh và dân chủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đồng thời nó sẽ “giúp răn đe Trung Quốc khi họ đang đe dọa đối tác chiến lược Đài Loan của chúng tôi cũng như hệ thống chính quyền dân chủ của họ."
"Với việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự để đe dọa chúng tôi và các đồng minh, cũng như với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hướng hàng ngàn tên lửa nhằm vào Đài Loan, triển khai các chiến đấu cơ dọc Eo biển Đài Loan, bây giờ là lúc quan trọng hơn bao giờ hết để Đài Loan có được sự hỗ trợ mà họ cần để bảo vệ chính họ”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz – một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho hay.
Thỏa thuận F-16 chắc chắn sẽ gây tranh cãi lớn bởi Trung Quốc kịch liệt phản đối mọi hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ.
Vấn đề Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn duy trì một mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Đài Loan.
Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến, và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.
Kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Bà Tsai công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ.
Tình hình càng nghiêm trọng khi Mỹ cũng tăng cường giúp đỡ cho Đài Loan, đặc biệt trong vấn đề vũ khí, quân sự. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều lần lên xuống thất thường và bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Mỗi lần Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì nước này đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông qua một hợp đồng vũ khí trị giá 2,2 tỉ USD, theo đó Mỹ bán 100 xe tăng M1A2T Abrams và tên lửa Stinger cho Đài Loan. Khi bị Trung Quốc phản đối về hợp đồng này, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan của họ là nhằm “tăng cường hòa bình” trong khu vực.