Trung Quốc: Nước dâng nguy cấp, bất ngờ phát hiện đê sông nhánh Trường Giang bị "moi rỗng ruột"

Hải Võ |

Mực nước sông Tần Hoài, Trung Quốc, liên tục ở mức cao và không có sự giảm xuống do ảnh hưởng của mưa lớn ở thượng nguồn sông cùng nước đổ vào từ sông Dương Tử (Trường Giang).

Sông Tần Hoài là một trong những sông nhánh ở hữu ngạn sông Dương Tử tại vùng hạ nguồn.

Thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - nơi sông Tần Hoài chảy xuyên qua - mới đây đã khởi động cơ chế ứng phó tình trạng khẩn cấp mức 1 để phòng chống lũ lụt ở lưu vực con sông này.

Cục Thủy lợi thành phố Nam Kinh ngày 24/7 phát đi cảnh báo lũ màu vàng. Nhiều đường sá, cây cối ở các vùng tại lưu vực sông Tần Hoài đã bị ngập trong nước lũ. Có trường hợp nước lũ đã tràn qua đê sông, xâm nhập các tuyến đường xung quanh.

Loạt nhà hàng, quán bar mọc lên trong "bụng đê"

Trong khi mực nước sông Tần Hoài trong tình trạng cấp bách, Đài tiếng nói trung ương thuộc Đài phát thanh truyền hình trung ương Trung Quốc (CMG) nhận được báo cáo về việc bên trong đê bao Yangjia của sông Tần Hoài có nhiều nhà hàng, quán bar cao cấp hoạt động, vi phạm quy hoạch thủy lợi và tiềm ẩn rủi ro lớn.

CMG ngày 24 đưa tin, trên đoạn đê sông Tần Hoài kể trên, nước sông dâng lên đã làm ngập lối đi bên ngoài đê cùng các hạ tầng liên quan, nhưng ở mặt sau của đê, một số nhà hàng cao cấp vẫn hoạt động.

Theo đó, các nhà hàng này không xây dựng trực tiếp bên trên đê, mà từ mặt lưng của đê đào sâu vào bên trong hơn 10m, tạo thành không gian kinh doanh trong "bụng đê".

Kết quả đo đạc tại nhà hàng của Liu - một trong nhiều cửa hàng tại đây - cho thấy ở mặt lưng của đê sông Tần Hoài tồn tại nhiều lỗ hổng có chiều dài đến 12m, cao 3m, chiều rộng khác nhau. Vị trí sâu nhất tại nhà hàng của ông Liu đã chạm tới đường trung tuyến của đê.

Các mặt bằng này được công ty TNHH xây dựng đô thị Jiangning - do chính quyền quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh, quản lý - cho thuê với giá 1 nhân dân tệ/m2/ngày. Liu nói ông nộp tiền thuê là 140.000 tệ/năm, và được "chủ nhà" gợi ý mở rộng kinh doanh... quán nhậu ngoài trời nếu công việc làm ăn thuận lợi.

Trung Quốc: Nước dâng nguy cấp, bất ngờ phát hiện đê sông nhánh Trường Giang bị moi rỗng ruột - Ảnh 2.

Một nhà hàng kinh doanh có không gian ăn vào "bụng" đê sông Tần Hoài (Ảnh: CMG)

Trung Quốc: Nước dâng nguy cấp, bất ngờ phát hiện đê sông nhánh Trường Giang bị moi rỗng ruột - Ảnh 3.

Đỉnh đoạn đê Yangjia ở thành phố Nam Kinh, khoanh tròn là vị trí một nhà hàng hoạt động (Ảnh: CMG)

Giới chức Trung Quốc tức tốc vào cuộc

Ông Wu, người phụ trách xây dựng của công ty Jiangning nói với CMG rằng ông chỉ chịu trách nhiệm trong lĩnh vực cảnh quan xanh trên không gian đê, nhưng không nắm rõ về những "thực thể phụ" tại công trình.

Theo ông này, đoạn đê Tần Hoài ở quận Giang Ninh từng được quy hoạch để trở thành một khu phố quán bar, nhưng không có hiệu quả và đã trở thành nơi kinh doanh ẩm thực. Dù vậy, Wu không lý giải được việc các nhà hàng đào sâu vào "bụng đê" để kinh doanh.

Một nhân viên khác của Jiangning thừa nhận với CMG rằng các nhà hàng trong bụng đê không có trong quy hoạch mà là những "không gian tạm" trong quá trình xây dựng đê đập vào năm 2014. Người này cũng không giải thích được nguyên nhân các "không gian tạm" này được xây dựng kiên cố bằng bê tông và tồn tại suốt 6 năm qua.

Trung Quốc: Nước dâng nguy cấp, bất ngờ phát hiện đê sông nhánh Trường Giang bị moi rỗng ruột - Ảnh 4.

(Ảnh: CMG)

CMG cho hay, sau báo cáo điều tra của đài này, đến ngày 25/7 các nhà hàng, quán bar trong bụng đê Tần Hoài đã ngưng hoạt động và bắt đầu tháo dỡ. Theo thiết kế, đê Tần Hoài có khả năng ngăn các trận lũ "trăm năm có một", song thực trạng "moi ruột" này có thể tạo thành thách thức với công trình.

Một số nhân viên thi công tại hiện trường nói với CMG rằng họ được yêu cầu "tháo dỡ những địa điểm đang kinh doanh để trông giống như không kinh doanh". Một nhân viên nhà hàng nói cơ sở của họ "không còn làm việc".

Trung Quốc: Nước dâng nguy cấp, bất ngờ phát hiện đê sông nhánh Trường Giang bị moi rỗng ruột - Ảnh 5.

Nhân viên một nhà hàng ở đê Yangjia thực hiện công việc tháo dỡ ngày 25/7 (Ảnh: CMG)

Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 25/7 yêu cầu các ban ngành liên quan tổ chức điều tra thực trạng đoạn đê Tần Hoài nêu trên và có biện pháp xử lý.

Trong khi đó, tổ kiểm tra giám sát tại Bộ Thủy lợi của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban giám sát nhà nước Trung Quốc đã liên hệ với Vụ quản lý sông hồ của Bộ để nêu yêu cầu. Vụ này sau đó cử nhân viên tới Nam Kinh để điều tra sự việc.

Vào tối ngày 28/7, chính quyền quận Giang Ninh ra thông báo xử lý 9 quan chức chịu trách nhiệm trong vụ vi phạm xây dựng ở mặt lưng đoạn đê Yangjia - bao gồm bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Jiangning.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại