Reuters ngày 11/7 dẫn tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc Mỹ đưa 23 thực thể nước này vào "danh sách đen", trong đó có 14 công ty liên quan vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, năm công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc và bốn công ty khác có mối quan hệ làm ăn với các công ty bị Mỹ trừng phạt trước đó.
Phía Trung Quốc nêu rõ, động thái này không tương thích với các quy định thương mại và kinh tế quốc tế, đồng thời dẫn đến những hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng. Bắc Kinh cam kết sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty.
Như vậy, số thực thể Trung Quốc có tên trong danh sách này đã tăng lên 59, bởi hôm 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp đưa 28 công ty khác của Trung Quốc vào danh sách bị Washington áp đặt trừng phạt.
Các thực thể bị liệt vào danh sách trừng phạt kinh tế của Washington sẽ phải xin giấy phép bổ sung của Bộ Thương mại Mỹ để được mua các mặt hàng từ nhà cung cấp Mỹ, theo Quy định quản lý xuất khẩu (EAR). Ngoài ra, các nhà đầu tư Mỹ cũng không được quyền góp vốn vào các công ty này. Lệnh cấm đầu tư có hiệu lực từ ngày 2/8 và các cổ đông hiện tại có thời hạn một năm để rút đầu tư.
Được biết, trong số các công ty bị trừng phạt có nhiều công ty lớn thuộc các lĩnh vực viễn thông, công nghệ và xây dựng của Trung Quốc như Tập đoàn công nghệ Huawei, Công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), các công ty China Mobile, China Telecom, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hangzhou Hikvision, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc.