Trung Quốc: Nỗ lực san phẳng nông thôn, trang trại để xây 'khu đô thị xanh' nhưng người dân vẫn không đến ở

Lục Lam |

Sau nhiều thập kỷ không kiểm soát quá trình đô thị hóa, các khu ngoại ô với nhiều nhà cao tầng "mọc" xung quanh các thành phố lớn đã che lấp hoàn toàn đất nông nghiệp và gây ô nhiễm. Theo đó, Bắc Kinh đang nỗ lực tìm hướng đi bền vững hơn để phát triển và mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Ngay phía tây Nam của thành phố Thành Đô, Trung Quốc đang xây dựng một khu đô thị rộng lớn hơn cả Houston của Mỹ. Khách tham quan được chào đón bởi một bãi cỏ rộng, được cắt tỉa cẩn thận, bao quanh hồ nước nhân tạo với những bông hoa súng. Hồ nước này có kích thước gần bằng công viên Central Park tại New York.

Khu dân cư này có tên "Thành Đô Park City", là một trong hàng trăm khu dân cư đang phát triển dưới hình thức "thành phố sinh thái" tại Trung Quốc. Những khu này được xây dựng trên nền đất trang trại và nông thôn của Trung Quốc, khi chính phủ nỗ lực tiếp nhận hơn 100 triệu người có kế hoạch di cư từ làng quê lên khu vực thành thị vào năm 2020.

Sau nhiều thập kỷ không kiểm soát quá trình đô thị hóa, các khu ngoại ô với nhiều nhà cao tầng "mọc" xung quanh các thành phố lớn đã che lấp hoàn toàn đất nông nghiệp và gây ô nhiễm. Theo đó, Bắc Kinh đang nỗ lực tìm hướng đi bền vững hơn để phát triển và mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Một người dân họ Fan (56 tuổi) cho biết: "Không khí ở đây thực sự tốt và nơi nào bạn đến cũng được bao trùm bởi màu xanh." Ông đã chuyển đến khu vực này vào năm 2013, khi nó vẫn là vùng ngoại ô của Thành Đô ít người biết đến. Ông chia sẻ: "Tôi không hối hận về quyết định của mình, bởi giá căn hộ của tôi đã tăng gấp đôi."

Trung Quốc: Nỗ lực san phẳng nông thôn, trang trại để xây khu đô thị xanh nhưng người dân vẫn không đến ở - Ảnh 1.

Dự án Thành Đô được phê duyệt 1 năm sau khi ông Fan chuyển đến, mang đến "làn sóng" hỗ trợ của chính phủ và thúc đẩy giá bất động sản. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, thành phố đã ký hợp đồng đầu tư hơn 300 tỷ CNY (44 tỷ USD). Khi công trình lớn hoàn thành trong năm nay, gần 60% diện tích sẽ được dùng để xây dựng 6 hồ nước nhân tạo, 30 công viên và nhiều không gian xanh khác. Dân số sẽ giới hạn ở mức 6,3 triệu người vào năm 2030 – ¼ quy mô của các thành phố lớn nhất như Thượng Hải.

Zheng Siqi – giám đốc khoa tại Phòng Đô thị hóa Bền vững thuộc đại học MIT, nhận định: "Các thành phố mới giống như những ‘bài test’ mà chính phủ có thể dễ dàng thử nghiệm những ý tưởng mới." Theo ông, thành phố mới không cần phải phục vụ người dân đang sinh sống", không giống như việc họ tái phát triển những thành phố hiện có.

Cách tiếp cận với kiến trúc "xanh" của Trung Quốc được thực hiện với mục đích giải quyết 2 vấn đề cấp bách về môi trường. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nhà ở dân cư ở quy mô lớn đã trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất quốc gia này. Theo 1 nghiên cứu của Đại học Maryland, việc thực hiện mục tiêu đô thị hóa của quốc gia có thể tạo ra thêm hơn 1 gigaton khí thải carbon.

Ngoài ra, cả môi trường khu vực nông thôn và thành thị đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc phải đối mặt với chất lượng không khí và nguồn nước ở mức kém. Theo Bộ Sinh thái và Môi trường, khoảng 90% đồng cỏ và 40% các vùng ngập nước lớn ở Trung Quốc đang bị xói mòn.

Thành Đô đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự thúc đẩy của ông Tập. Năm 2018, ông đã đến thăm thành phố này và nhận xét rằng, sự phát triển của nó đã làm nổi bật đặc biệt của một "park city" (thành phố được thiết kế như công viên với nhiều cây xanh và hồ nước)

Trung Quốc: Nỗ lực san phẳng nông thôn, trang trại để xây khu đô thị xanh nhưng người dân vẫn không đến ở - Ảnh 2.

Wu Changhua – nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu Hóa, cho biết các chính sách của Bắc Kinh cho thấy các nhà lãnh đạo rất quyết tâm vực dậy môi trường, nhưng đó không phải lúc nào cũng là động lực thúc đẩy giới chức địa phương. Bà nói: "Động lực sâu sắc hơn có thể là các khoản trợ cấp và kích thích tăng trưởng kinh tế."

Các chủ đầu tư thường quảng cáo tòa nhà của họ "thân thiện với môi trường", bởi tại đó được duy trì nhiệt độ, độ ẩm và mức oxy trong nhà ổn định. Tuy nhiên, theo Deng Wu – phó giáo sư Khoa Kiến trúc và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Nottingham tại Ninh Ba, để đạt được những điều đó, họ phải tiêu thụ lượng điện năng lớn. Ông nói, họ đánh đồng thân thiện với môi trường là sự thoải mái, nhưng những dự án này không hề thân thiện môi trường, thậm chí có thể tạo tác dụng ngược.

Tuy nhiên, các thành phố này vẫn cần đến doanh nghiệp và việc làm để phát triển, không chỉ là những công viên xanh. Tại khu trung tâm thương mại của Thành Đô, 1 số công ty địa phương đã bị thu hút bởi trợ cấp của chính phủ và việc giảm thuế. Họ đã chuyển đến các tòa nhà cao tầng, dù khu vực này vẫn còn vắng vẻ.

Zheng cho rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định Thành Đô có thu hút nhiều người dân đến sinh sống hay không. Bà nói: "Có thể cung sẽ lớn hơn cầu nếu người dân cảm thấy không cần phải di chuyển đến 1 thành phố mới xây dựng, đặc biệt là họ có những thành phố cũ chưa được tận dụng hết."

Đó cũng là 1 câu chuyện từng diễn ra trước đây. Thành phố Tân Hải mới - nằm dọc bờ biển phía đông, được kỳ vọng là một trung tâm tài chính mới khi cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo khởi động dự án hơn 10 năm trước. Năm 2019, chỉ có 100.000 người đến sống và làm việc tại Trung Quốc-Singapore Eco City- dự án hàng đầu của Tân Hải. Trong khi đó, mục tiêu của chính phủ là 350.000 người thường trú vào năm 2020.

Cách 15 phút lái xe xuống đường cao tốc mới xây hướng ra khỏi Thành Đô, người dân làng Hồng Tường đang chơi mạt chược vào 1 buổi chiều Chủ Nhật tháng 7, họ trò chuyện về khu đô thị đang được xây dựng gần đó. Bao quanh bởi những cánh đồng lúa và rừng tre, họ tự hỏi khi nào ngôi làng này sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho khu Thành Đô và liệu họ có được bồi thường khi rời khỏi khu nhà đã sinh sống quá nhiều thế hệ hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại