Trong một cuộc họp báo ngắn hôm 13-7, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân thừa nhận 433 con sông tại Trung Quốc và hồ nước ngọt lớn nhất nước này – hồ Bà Dương - đều ghi nhận mực nước vượt quá mức cảnh báo kể từ khi mùa lũ bắt đầu vào tháng 6.
"Giai đoạn phòng chống lũ lụt quan trọng vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tình hình hiện tại vẫn rất ảm đạm trên các lưu vực sông Dương Tử và Thái hồ. Các vành đai mưa lớn đã trút xuống miền Trung Trung Quốc sắp tới sẽ chuyển hướng về phía Bắc" – ông Diệp nói.
Lượng mưa trung bình đang ở mức cao nhất kể từ năm 1961. Cuối tuần trước, Bộ Khẩn cấp Trung Quốc thống kê 141 người đã chết hoặc mất tích, gần 38 triệu người bị ảnh hưởng và 28.000 ngôi nhà bị phá hủy. Thiệt hại kinh tế vào khoảng 60 tỉ nhân dân tệ (8,57 tỉ USD). Các cơ quan kiểm soát lũ trên toàn lưu vực sông Dương Tử cũng ban bố "cảnh báo đỏ" đối với các khu vực đông dân cư như Hàm Ninh, Cửu Giang và Nam Xương.
Các vành đai mưa lớn đã trút xuống miền Trung Trung Quốc sắp tới sẽ chuyển hướng về phía Bắc. Ảnh: Reuters
Lũ lụt hoành hành ờ nhiều khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc. Ảnh: CPF
Các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt bao gồm Giang Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam ở miền Trung, An Huy, Chiết Giang và Giang Tô ở phía Đông, siêu đô thị Trùng Khánh. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi chính quyền ở các khu vực bị ảnh hưởng cùng với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) tham gia giải cứu và tái định cư cho người dân.
Cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc cho biết miền Trung và miền Đông sẽ tiếp tục hứng chịu mưa lũ trong những ngày tới. Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn lời Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) hôm 13-7 nói rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy xây dựng 150 dự án thủy lợi mới, tăng khả năng lưu trữ nước để kiểm soát lũ lên 9 tỉ m3 và khả năng cung cấp nước hằng năm thêm 42 tỉ m3.
Đáng chú ý, theo dữ liệu của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp đã chạm mức 153,2 m, cao hơn 6,7 m so với mức cảnh báo.
Ảnh vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp mở hết cửa xả hôm 9-7. Ảnh: Indian Today