Trung Quốc: Nghề 'đào vàng' từ rác thải điện tử

BẢO SƠN |

Trong một nhà máy ở Thượng Hải, các công nhân lành nghề cặm cụi tách lọc vàng từ bảng mạch điện thoại di động cũ.

Tái chế điện thoại cũ không chỉ tốt cho môi trường mà giờ đây nó còn là một ngành có tiềm năng sinh lời cao. Như nhiều người trẻ Trung Quốc khác, Lin Chenru, 24 tuổi, thích nâng cấp điện thoại di động của mình vài năm một lần. Mỗi khi sắm "dế mới", anh thường không nhớ rõ những chiếc điện thoại cũ ở đâu.

Lý do Lin và hầu hết người dùng vẫn giữ lại những chiếc điện thoại cũ chủ yếu vì chúng vẫn lưu trữ dữ liệu họ coi là quan trọng. "Tôi giữ lại điện thoại phòng khi còn thứ gì đó hữu ích lưu lại trong máy", Lin cho hay.

Nghiên cứu từ Hòa bình Xanh Đông Á, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào môi trường, ước tính tỷ lệ tái chế điện thoại thông minh của Trung Quốc là dưới 2%, đồng nghĩa cứ 100 điện thoại thì chỉ có hai chiếc được tái chế đúng cách, thay vì bị vứt xó.

Trung Quốc từng là nơi tập kết rác thải điện tử của thế giới và thành phố Quý Dữ (Quảng Đông) nổi tiếng với hàng nghìn cơ sở nhỏ lẻ chuyên tách máy tính và thiết bị điện tử cũ để gom vật liệu tái chế.

Những ngày đó đã qua đi kể từ khi chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải rắn từ nước ngoài và tăng cường giám sát đối với ngành xử lý thiết bị điện tử nhằm cố gắng ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm, điều rất có hại cho sức khỏe con người.

Công ty TES có trụ sở ở Singapore điều hành nhà máy xử lý rác thải điện tử ở Thượng Hải. Tại đây, các công nhân lành nghề trong đồng phục màu xanh da trời, đeo kính bảo hộ và mặt nạ tháo dỡ những chiếc điện thoại di động chỉ trong vài phút, phân loại vỏ, màn hình, pin và bảng mạch vào các thùng riêng để tái chế tiếp.

Giám đốc marketing TES Trung Quốc Richard Wang giải thích công nhân sẽ dùng hóa chất hòa tan và gạn lọc bất kỳ kim loại quý nào, ví dụ vàng, trên bảng mạch. Bước tiếp theo là nghiền các bảng mạch thành bột rồi tách đồng và nhựa.

Theo Wang, về lý thuyết, việc tái chế 100 triệu chiếc điện thoại di động có thể thu về 120 kg vàng với độ tinh khiết trên 99,9% sau khi tinh chế.

Lin Hua, chuyên gia tại Hòa bình Xanh Đông Á, cho biết việc các nhà sản xuất thiết bị cầm tay như Huawei hợp tác với các công ty xử lý rác thải điện tử chuyên nghiệp như TES nhằm tái chế điện thoại di động không phải chuyện hiếm.

Năm 2019, Apple cho hay họ đã nhận được gần một triệu thiết bị thông qua một chương trình khuyến khích người tiêu dùng Mỹ trả lại điện thoại cũ của họ để tái chế.

Theo Hòa bình Xanh, giá trị số kim loại bị bỏ lại dưới dạng rác thải điện tử ở Trung Quốc sẽ đạt 23,8 tỷ USD vào năm 2030. Khoản tiền này hoàn toàn có thể được thu về thông qua tái chế, rẻ hơn nhiều so với việc khai thác kim loại từ quặng.

Tuy nhiên, Wang nhấn mạnh một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành tái chế là thay đổi thái độ của mọi người với đồ điện tử cũ. "Với những chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng, mọi người vẫn thích giữ chúng lại, ngay cả đó là một chiếc iPhone 4", anh nói.

Một yếu tố ảnh hưởng khác là kích cỡ. Điện thoại không chiếm nhiều không gian so với các thiết bị điện tử khác. "Không giống như điều hòa hay TV, khi bạn lên đời máy, bạn sẽ không còn chỗ chứa chúng. Nhưng điện thoại thông minh thì khác, chúng rất nhỏ gọn và việc một gia đình muốn giữ chúng lâu dài không gây ra bất kỳ vấn đề to tát nào", chuyên gia Liu của Hòa bình Xanh nói.

Một mối quan tâm khác đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh là vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ trong quá trình tái chế. Ví dụ, điện thoại của Huawei được tháo rời trong một khu vực riêng thuộc nhà máy do TES vận hành và các bộ phận cấu thành được phá vỡ thành nhiều mảnh nhỏ hơn trước khi trải qua quá trình chiết xuất vàng và đồng.

Liu cho biết quy trình trên ngăn chặn việc dữ liệu người dùng bị tin tặc tiếp cận và ngăn các con chíp bị sử dụng trên những thiết bị khác khi chưa được cho phép.

"Ngay cả khi điện thoại di động được xóa sạch, về lý thuyết, tin tặc vẫn có thể lấy lại một số dữ liệu, dù việc làm này có tỷ lệ thành công không lớn và chi phí cao", Liu nói.

Richard Liu, giám đốc phát triển bền vững cho nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết đang tìm cách để khiến việc tái chế điện thoại thông minh trở nên dễ dàng hơn.

"Một số nhân viên nhà máy nói rằng nhiều máy điện thoại cũ của chúng tôi rất khó tháo và pin sẽ bị hỏng hoặc cháy trong quá trình xử lý", ông cho biết. "Nguyên nhân là do pin được gắn trên bo mạch chính. Chúng tôi sau đó đã thay đổi thiết kế sản phẩm và pin giờ đây có thể tháo ra dễ dàng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại