Hãng tin Iran Press ngày 21-9 cho biết Trung Quốc (TQ), Nga và Iran đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận hải quân chung ở biển Oman và phía bắc Ấn Độ Dương. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ tố Iran đứng sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng vụ phá hoại nhà máy dầu là “hành động chiến tranh” trực tiếp nhằm vào Arab Saudi. Điều này đánh dấu sự leo thang căng thẳng nhất giữa Mỹ và Iran kể từ hồi khủng hoảng con tin Iran năm 1979. Các nhà phân tích cho rằng cuộc tập trận được lên kế hoạch sẽ thể hiện sự ủng hộ của TQ đối với Iran, kể cả trong tình huống xấu nhất.
Trung Quốc với những thương vụ béo bở
Sau chuyến thăm hồi tháng 8 của Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tới Bắc Kinh, Iran và TQ đã đồng ý bổ sung nhiều dự án vào chương trình song phương 25 năm được ký kết năm 2016. Trong đó, đáng chú ý là khoản đầu tư 400 tỉ USD lần đầu tiên được TQ đầu tư vào nền kinh tế Iran.
Theo trang tin Petroleum Economist, trụ cột chính trong thỏa thuận mới là TQ sẽ đầu tư 280 tỉ USD để phát triển các lĩnh vực dầu khí và hóa dầu của Iran. 120 tỉ USD nữa sẽ được đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và sản xuất của nước cộng hòa Hồi giáo phù hợp hơn với các yêu cầu hoạt động của TQ. Đổi lại, các nhà đầu tư TQ có quyền thực hiện các dự án ở Iran mà không đấu thầu, theo hãng tin Deseret News. Hơn nữa, dòng tiền khổng lồ này còn cho phép TQ có tiếng nói trong giới chính trị và mua dầu với giá thấp nhất.
TQ từ lâu đã có nhiều thỏa thuận kinh tế béo bở với Iran và thường tận dụng lợi thế của đồng minh Iran. Sau thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 và việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của Iran, TQ vẫn nắm giữ 22,5 tỉ USD dự trữ của nước cộng hòa Hồi giáo. Khoản này vốn được xem là kênh đảm bảo tài chính cho các dự án liên doanh và nhập khẩu giữa hai nước.
Cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ tạo đòn bẩy cho Bắc Kinh đòi hỏi những thỏa thuận sinh lời cao hơn trong tình hình kinh tế hỗn loạn của Iran. Trong khi Mỹ với các lệnh trừng phạt của mình muốn cô lập Iran khỏi thị trường toàn cầu, TQ vẫn âm thầm khai thác nguồn tài nguyên được đánh giá là khá dồi dào của đất nước Trung Đông này.
Nga và thỏa thuận vũ khí
Trong một cuộc họp báo ngày 16-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói đùa trước Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng ông sẵn sàng hỗ trợ Saudi Arabia sau vụ tấn công cơ sở dầu mỏ. Ông còn đề nghị đất nước này mua tên lửa đất đối không của Nga như các nước khác là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên hãng tinBloomberg, nhà báo Leonid Bershidsky khẳng định đây không phải là một câu đùa giỡn của người đứng đầu Điện Kremlin. “Ông Putin đã cố gắng thuyết phục các nước Trung Đông rằng hợp tác với Nga sẽ hiệu quả hơn với Mỹ” - ông Bershidsky nhận định.
Thời gian diễn ra cuộc tập trận chung có thể hơi nhạy cảm và một số người có thể coi động thái này thể hiện sự hỗ trợ của TQ dành cho Iran nếu xảy ra bất kỳ xung đột quân sự nào giữa các nước.
Chuyên gia về hải quân tại Bắc Kinh LI JIE
Năm 2018, Nga, Iran, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan - năm quốc gia giáp biển Caspi - đã đồng ý ký kết Công ước về tình trạng pháp lý của biển Caspi. Tài liệu đã thiết lập một công thức để phân chia nguồn tài nguyên và ngăn chặn các cường quốc khác thiết lập sự hiện diện quân sự ở đó. Tuy nhiên, do thỏa thuận không định nghĩa Caspi là hồ, Iran - nước có bờ biển nhỏ nhất - được xem như bên thua cuộc.
Nếu có bất kỳ bài học nào mà Mỹ nhận ra trong hơn 40 năm khủng hoảng ở Trung Đông là Washington không nên để mình bị thuyết phục để tham gia vào một cuộc chiến không hồi kết lần nữa. Mỹ đã đánh đổi hàng ngàn mạng sống và hàng ngàn tỉ USD ở khu vực này. Tuy nhiên, chỉ tránh né một cuộc chiến ở Iran là chưa đủ để có hòa bình ở Trung Đông. Giới chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều việc mà Mỹ phải làm với một nước cộng hòa Hồi giáo có tiềm lực đáng kể cùng những ưu thế, ảnh hưởng nhất định tại khu vực luôn là điểm nóng của toàn thế giới.
Chiến tranh ở Iran
Cách mạng Hồi giáo hay Cách mạng trắng là cuộc cách mạng đưa Iran từ chế độ quân chủ do Shah Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu thành nước cộng hòa Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của Ayatollah Ruhollah Khomeini, người lãnh đạo cuộc cách mạng và là người khai sinh ra nước cộng hòa Hồi giáo. Sau khi cuộc cách mạng kết thúc năm 1979, người dân Iran đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh tốn kém như Iran-Iraq (1980-1988), chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất (1990-1991), cuộc chiến ở Afghanistan (từ năm 1979 cho tới nay), cuộc xâm lược Iraq của Mỹ (2003).
Khủng hoảng con tin Iran
Khủng hoảng con tin Iran là một cuộc xung đột chính trị, ngoại giao giữa Iran và Mỹ. Ngày 4-11-1979, một nhóm sinh viên hỗ trợ Cách mạng Hồi giáo đã lao vào chiếm Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran nhằm phản đối hành động bao che của Washington đối với quốc vương đào tẩu của Iran. Các sinh viên bắt giữ 52 nhân viên ngoại giao Mỹ nhằm buộc Tổng thống Jimmy Carter trao trả quốc vương Iran cùng số lượng lớn tài sản mà ông ta mang theo. Iran phóng thích toàn bộ 52 con tin ngày 20-1-1981, vài phút sau khi ông Jimmy Carter kết thúc nhiệm kỳ. Cuộc khủng hoảng này giữ kỷ lục là cuộc khủng hoảng con tin dài nhất trong lịch sử (444 ngày).