Trung Quốc nắm giữ một thứ được ví như "con đường tơ lụa" mới của thế giới: 76 quốc gia sử dụng, có thể sớm khiến phương Tây phụ thuộc

Ngọc Hiệp |

Từ chỗ bị đánh giá là tụt hậu so với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã vươn lên để nắm giữ chìa khóa cho sự cân bằng quyền lực thế giới thông qua lĩnh vực này.

Trung Quốc nắm giữ một thứ được ví như con đường tơ lụa mới của thế giới: 76 quốc gia sử dụng, có thể sớm khiến phương Tây phụ thuộc - Ảnh 1.

Quyền lực mới của thế giới

Hầu hết chúng ta tin rằng các cuộc gọi, hình ảnh và video lưu truyền trên Internet là nhờ ăng-ten ở trên cao nhưng trên thực tế, gần 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới không truyền qua đường hàng không mà qua hệ thống cáp dưới lòng đất và đáy biển. Tầm quan trọng đặc biệt trên khiến cáp quang biển được xem là một thứ quyền lực mới của thế giới.

Công nghệ cáp quang đã đạt được tiến bộ vượt bậc kể từ khi tuyến cáp quang xuyên Đại Tây Dương đầu tiên - TAT-8, được lắp đặt giữa Mỹ và châu Âu vào năm 1988, cho phép thực hiện đồng thời hơn 40.000 cuộc gọi điện thoại.

Ngày nay, tuyến cáp quang Dunant của Google có thể xử lý 5 tỷ cuộc gọi điện thoại mỗi giây. Việc lắp đặt những dây cáp này tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng vẫn rẻ hơn 10 lần so với việc triển khai trên đất liền.

Một chuyên gia chia sẻ với Telegraph: “Ngành công nghiệp này đang bùng nổ. Họ đang liên tục xây dựng suốt ngày đêm. Doanh thu trên toàn thế giới đang tăng 11% mỗi năm và dự kiến đạt 22 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, mọi người biết rất ít về ngành này. Quá trình lắp đặt cáp biển thường được giữ kín”.

Trung Quốc nắm giữ một thứ được ví như con đường tơ lụa mới của thế giới: 76 quốc gia sử dụng, có thể sớm khiến phương Tây phụ thuộc - Ảnh 3.

Gần 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới được truyền qua hệ thống cáp dưới lòng đất và đáy biển (Ảnh: Reuters).

Trước đây, cáp biển chủ yếu do các nhà khai thác mạng như Deutsche Telekom, AT&T, Telecom Italia, Vodafone và Orange hay những đơn vị sản xuất viễn thông như Alcatel Submarine Networks, SubCom và NEC lắp đặt. Nhưng hiện tại, 5 gã khổng lồ công nghệ của Mỹ (FAANG) gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google đã tham gia và sở hữu những tuyến cáp quang biển của riêng mình.

“Cách đây 3 năm, trên tuyến Đại Tây Dương, FAANG chiếm 5% thị phần còn giờ đây, họ chiếm tới 50% và con số này dự kiến sẽ tăng lên 90% trong 3 năm tới”, một chuyên gia viễn thông cho biết.

Mặc dù vậy, quyền lực thực sự không nằm ở chủ sở hữu và nhà sản xuất hệ thống cáp quang mà ở những quốc gia có lãnh thổ là nơi lắp đặt chúng. Điều này không chỉ có thể tạo ra số tiền khổng lồ mà còn là chìa khóa để xác định và thay đổi sự cân bằng quyền lực thế giới.

Thế lực mới Trung Quốc

Trong cuộc đua nắm giữ quyền lực mới này, Trung Quốc không đứng ngoài cuộc. Năm 2015, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan quản lý kinh tế chính của Trung Quốc, đã công bố một báo cáo đầy tham vọng trong đó có chương trình xây cáp quang xuyên quốc gia nhằm tạo ra “con đường tơ lụa kỹ thuật số”.

Năm 2021, Trung Quốc đã khởi động một dự án khổng lồ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và cảng từ Trung Quốc đến Tây và Đông Phi, qua Trung Á và Ấn Độ Dương. Đến năm 2027, 1.200 tỷ USD sẽ được đầu tư vào khoảng 60 quốc gia để hiện thực hóa tham vọng này. Đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt và đưa vào sử dụng mạng cáp quang biển tại 76 quốc gia, từ các nước láng giềng cho đến châu Mỹ Latinh.

Con đường tơ lụa kỹ thuật số cho phép Trung Quốc bảo vệ lợi ích an ninh đồng thời tiếp thị công nghệ giám sát của mình với thế giới. Bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối của riêng mình, Trung Quốc muốn cân bằng quyền lực trong lĩnh vực Internet với phương Tây.

Vai trò của cáp quang trong việc củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc là rất quan trọng. “Vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa quan trọng nhưng vận chuyển dữ liệu còn trọng yếu hơn gấp nhiều lần”, Jean Devos - cựu giám đốc của Alcatel Submarcom, nhận định.

Trung Quốc nắm giữ một thứ được ví như con đường tơ lụa mới của thế giới: 76 quốc gia sử dụng, có thể sớm khiến phương Tây phụ thuộc - Ảnh 5.

Trung Quốc muốn cân bằng quyền lực trong lĩnh vực Internet với phương Tây thông qua cơ sở hạ tầng kết nối của riêng mình (Ảnh: Alamy).

Trước đây, Trung Quốc bị đánh giá là tụt hậu quá xa so với Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… nhưng Huawei đã thay đổi điều đó. Đầu những năm 2000, tập đoàn viễn thông này đã công nghiệp hóa các công nghệ và thiết bị đầu cuối quang học nhưng còn thiếu chuyên môn về sản xuất cáp. Sau đó, họ hợp tác với Global Marine của Anh – một trong những nhà lắp đặt cáp dưới biển lớn nhất thế giới.

Năm 2008, liên doanh Huawei Marine Networks ra đời. Một số chuyên gia tư vấn người Anh cũng cân nhắc về chuyên môn của họ. Liên doanh này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ của Global Marine cho Huawei trong khoảng thời gian 10 năm.

Liên doanh phát triển thịnh vượng cho đến năm 2019, khi Global Marine bán cổ phần trong Huawei Marine Networks, gồm cả đội tàu cáp – cho công ty Hengtong Optic-Electric của Trung Quốc với giá 285 triệu USD. Thương vụ này giúp đưa Hengtong lên một tầm cao mới, trở thành một trong những công ty hiếm hoi kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng cáp quang gồm cáp, bộ lặp, thiết bị đầu cuối và đội tàu.

Jean Devos cho rằng thương vụ này là một sai lầm của phương Tây. Họ chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình. Họ hoàn toàn ngây thơ", Devos nói.

Với con đường tơ lụa kỹ thuật số, Trung Quốc được dự đoán sẽ sớm khiến phương Tây phụ thuộc về cáp quang biển, đặc biệt là những thiết bị hạ tầng “sản xuất tại Trung Quốc”.

Tháng 4 vừa qua, Reuters đưa tin Trung Quốc đang phát triển hệ thống cáp quang biển trị giá 500 triệu USD, nối châu Á, Trung Đông và châu Âu để cạnh tranh với một dự án tương tự do Mỹ hậu thuẫn.

Theo đó, 3 nhà mạng China Telecom, China Mobile Limited và China Unicom đang vạch ra kế hoạch xây dựng EMA - một những mạng cáp ngầm tiên tiến nhất và có phạm vi phủ sóng rộng nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại