Trung Quốc muốn xây hầm đường sắt dưới biển nối với đảo Đài Loan

Cẩm Bình |

Sau nhiều năm tranh luận, các nhà khoa học Trung Quốc đã gần đạt được thống nhất về thiết kế một tuyến đường sắt ngầm dưới biển dài nhất thế giới, kết nối với đảo Đài Loan.

Theo kế hoạch đã được gửi lên chính quyền Bắc Kinh thì đường hầm dài 135km, nếu được xây dựng sẽ cho phép tàu cao tốc chạy với vận tốc 250km/giờ đi lại giữa hai bờ vào năm 2030. Chi phí cho dự án có thể lên đến hàng tỉ USD.

Một số nguồn tin tiết lộ thiết kế của hầm đường sắt đã hoàn thành vào năm ngoái với nguồn tài trợ từ Viện Công trình Trung Quốc (CAE). Bản thiết kế sau đó được cộng đồng nghiên cứu lẫn ngành công nghiệp xây đường hầm giao thông ủng hộ rộng rãi.

Ý tưởng về đường hầm kết nối hai bờ xuất hiện từ gần một thập kỷ trước, đến năm 2016 được Bắc Kinh tái đề cập trong kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên phải đến gần đây thì các nhà khoa học cùng kỹ sư mới tìm được cách xây dựng.

Tuyến đường sắt ngầm trong kế hoạch mới nhất sẽ bắt đầu từ thành phố Bình Đàm thuộc tỉnh Phúc Kiến, chạy sâu xuống 200m xuyên qua nhiều tầng đá, tránh ít nhất 2 đường đứt gãy rồi chạy đến điểm cuối là thành phố biển Tân Trúc, đảo Đài Loan.

So với hầm đường sắt Channel nối Anh với Pháp được coi là dài nhất thế giới hiện nay (38km) thì tuyến hầm Trung Quốc muốn xây dài gấp khoảng 3,5 lần, nhưng thiết kế sẽ tương tự.

Cụ thể, công trình gồm 3 hầm riêng biệt. Hai trong số này là đường cho tàu chạy và hầm còn lại đặt đường dây điện, cáp thông tin liên lạc, lối thoát hiểm.

Hầm chính có đường kính 10m, cho phép tàu lưu thông nhanh hơn và chở được nhiều hàng hóa hơn. Rất có khả năng phải xây thêm một cặp đảo nhân tạo giữa hai bờ, đóng vai trò là trạm cung cấp không khí cho tuyến đường hầm.

Trung Quốc muốn xây hầm đường sắt dưới biển nối với đảo Đài Loan - Ảnh 1.

Sơ đồ tuyến hầm kết nối hai bờ - Ảnh: SCMP

Quan hệ 2 bờ eo biển đang căng thẳng là một trong những trở ngại khiến kế hoạch này không có triển vọng được triển khai sớm.

Giáo sư kinh tế Triệu Kiên tại đại học Giao thông Bắc Kinh cảnh báo: “Bắt đầu xây dựng mà không đạt được thỏa thuận với bên kia sẽ làm tăng tâm lý chống Bắc Kinh tại đảo Đài Loan. Dự án đẩy họ ra xa thay vì xích lại gần chúng ta hơn”.

Còn theo giáo sư Châu Hợp Hoa đến từ đại học Đồng Tế (Thượng Hải), xây đường hầm kết nối hai bờ sẽ là một động thái đơn phương, cho thấy Bắc Kinh quyết tâm thống nhất lãnh thổ.

Ông nhận xét với tình hình chính trị hiện tại thì dự án này xa vời như “đi lên mặt trăng”, nhưng cuối cùng sẽ thành hiện thực.

Hiện đang có một đội nghiên cứu có mặt tại Bình Đàm, tiến hành lập bản đồ địa chất, lấy mẫu đá, chạy mô phỏng trên máy tính và đánh giá tác động môi trường của một dự án đường hầm quy mô lớn.

Một quan chức Phúc Kiến tiết lộ đây là công tác đánh giá nhằm thực hiện dự án tuyến hầm giao thông ngầm nối hai thành phố Bình Đàm - Phúc Thanh trên địa bàn tỉnh.

Giáo sư Châu cho rằng đoạn hầm Bình Đàm - Phúc Thanh chính là công trình thử nghiệm cho tuyến hầm nối liền 2 bờ eo biển, vì nó được đặt cùng một chỗ và đòi hỏi các kỹ sư phải giải quyết những vấn đề địa chất cũng như kỹ thuật giống nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại