Thỏa thuận giữa Campuchia và Lào với Trung Quốc về cách thức giải quyết tranh chấp ở biển Đông là can thiệp vào công việc nội bộ ASEAN.
Nguyên Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong nhận định như trên tại diễn đàn cộng đồng ASEAN ở Jakarta ngày 25-4.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận bốn điểm về vấn đề biển Đông với Brunei, Campuchia và Lào.
Ông Ong Keng Yong nói ông rất lấy làm ngạc nhiên vì Campuchia và Lào lại đi thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông trong khi hai nước này không phải là nước tranh chấp.
Báo Channel News Asia (Singapore) đưa tin trả lời báo chí bên lề diễn đàn, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhắc lại lập trường sáu điểm của ASEAN và khẳng định: Một nước thành viên ASEAN không thể thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp có liên quan đến các nước khác trong ASEAN.
Trong khi đó, báo The Straits Times (Singapore) cùng ngày 25-4 đã đăng bài viết với tiêu đề “Bắc Kinh cố chứng tỏ có phân hóa về vấn đề biển Đông trong ASEAN”.
Bài viết dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nhận định Trung Quốc muốn dựa trên thỏa thuận bốn điểm để chứng minh trong nội bộ ASEAN không có nhất trí về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Chuyên gia Hứa Lợi Bình ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định Trung Quốc muốn chứng minh Philippines hành động không phù hợp với thỏa thuận các nước ASEAN với Trung Quốc.
TS Tôn Hiểu Âm ở Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây ghi nhận với thỏa thuận bốn điểm nêu trên, Trung Quốc phản bác lại các chỉ trích cho rằng Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế nếu bác bỏ phán quyết trọng tài.
Báo Sydney Morning Herald (Úc) khẳng định Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận bốn điểm về vấn đề biển Đông với Brunei, Campuchia và Lào nhằm mục đích đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực mà thôi.
Báo nhắc lại lời của GS Carlyle Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc dự báo Trung Quốc sẽ mở chiến dịch quốc tế nhằm phản đối thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực.
Trong khi đó, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 25-4 dẫn nguồn tin quân sự và các chuyên gia hàng hải Trung Quốc cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị cải tạo đất tại bãi cạn Scarborough vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ xây dựng thêm một đường băng nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của không quân trong vùng biển tranh chấp.
Nguồn tin từ hải quân Trung Quốc cho biết Trung Quốc xúc tiến kế hoạch xây dựng tiền đồn trên bãi cạn Scarborough vì Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác quân sự và Tòa Trọng tài Thường trực chuẩn bị công bố phán quyết.
Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cách bờ biển Philippines 230 km.
Philippines đã cho phép Mỹ đưa quân đến tám căn cứ quân sự, trong đó có hai căn cứ không quân ở Pampanga cách bãi cạn Scarborough 330 km.
Nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong ở Macau nhận định: “Nếu Trung Quốc hoàn thành cải tạo đất ở bãi cạn Scarborough thì có thể bố trí radar và nhiều thiết bị để giám sát căn cứ không quân Mỹ ở Pampanga”.
GS Vương Hàn Lĩnh ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ghi nhận Trung Quốc còn nhắm đến tiền đồn Philippines xây trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ngày 25-4 tại Tokyo, phát biểu trước các doanh nghiệp trước chuyến đi Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida tuyên bố:
“Thẳng thắn mà nói thì gia tăng chi tiêu quân sự nhanh chóng và mờ ám cùng với mưu toan đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và biển Đông nhằm xây dựng một quốc gia hàng hải mạnh (Trung Quốc) thì không chỉ nhân dân Nhật mà các nước châu Á-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế đều lo ngại”.
__________________________________
ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông. Vậy thì hai nước không phải là nước tranh chấp (Campuchia và Lào) mà lại nói đến quan điểm của ASEAN thì tôi nghĩ rất đáng ngạc nhiên.
Nguyên Tổng Thư ký ASEAN ONG KENG YONG