Trung Quốc mở toang 'mỏ vàng' 44.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế

Thu Hương |

Trung Quốc nhận định những vấn đề "phức tạp" cả ở trong và ngoài nước đang tạo ra nhiều thách thức cho Trung Quốc ngay ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần.

Mới đây Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp có mục tiêu cụ thể để đối phó với những thách thức và rủi ro đang ngày càng gia tăng và đe dọa đến lĩnh vực tài chính của nước này, trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc và xung đột thương mại với Mỹ.

Theo thông báo từ Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đó sẽ là kết hợp của cả các biện pháp ngắn và dài hạn, tác động đến cả các yếu tố vĩ mô và vi mô để thúc đẩy lực cầu và tạo ra các động lực tăng trưởng mới.

Đặc biệt, đáng chú ý nhất là Trung Quốc sẽ mở cửa khu vực tài chính cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần hoặc kiểm soát các định chế tài chính bao gồm bộ phận quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại, các quỹ hưu trí và các công ty môi giới tiền tệ.

Với quy mô lên đến 44.000 tỷ USD và vẫn còn khá khép kín với thế giới bên ngoài, thị trường tài chính Trung Quốc rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi chỉ cần chiếm được một phần nhỏ thị phần ở đây là có thể thu được mức lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, hiện tại các công ty quốc tế buộc phải thích nghi với 1 môi trường pháp lý mơ hồ và đối mặt với các đối thủ được hậu thuẫn bởi Chính phủ Trung Quốc.

Các biện pháp khác vừa được thông báo bao gồm:

- Các công ty xếp hạng tín nhiệm nước ngoài có thể xếp hạng mọi trái phiếu niêm yết trên sàn giao dịch và thị trường liên ngân hàng, và các định chế nước ngoài có thể là nhà bảo lãnh chính trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng.

- Trung Quốc sẽ xóa bỏ giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chứng khoán, quỹ, công ty bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020 thay vì 2021.

- Các công ty bảo hiểm nước ngoài có thể nắm hơn 25% cổ phần tại các công ty bảo hiểm quản lý tài sản nội địa.

- Trung Quốc sẽ xóa bỏ quy định buộc các công ty bảo hiểm nước ngoài phải có 30 năm kinh nghiệm mới được bước vào thị trường Trung Quốc.

- Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp xa hơn nữa để các nhà đầu tư định chế nước ngoài có thể dễ dàng đầu tư vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng hơn.

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm 1,6% trong tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc và 5,8% thị phần trên thị trường bảo hiểm. Giới chức Trung Quốc đã phê duyệt các kế hoạch của UBS, Nomura và JPMorgan để cho phép các định chế này nắm cổ phần đa số tại các công ty chứng khoán liên doanh. JPMorgan cho biết có dự định tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% khi luật cho phép.

Trung Quốc nhận định những vấn đề "phức tạp" cả ở trong và ngoài nước đang tạo ra nhiều thách thức cho Trung Quốc ngay ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần. Hôm đầu tuần Trung Quốc vừa công bố số liệu tăng trưởng GDP thấp nhất kể từ năm 1992.

Kể từ cuối tháng trước, khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí "ngừng bắn", các nhà đàm phán thương mại của hai bên vẫn chưa có bất kỳ cuộc gặp nào. Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng như Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhưng những diễn biến quá chậm chạp đang làm dấy lên những lo ngại về căng thẳng thương mại.

Theo bản thông báo, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai chính sách tiền tệ thận trọng đồng thời áp dụng các biện pháp điều chỉnh phản chu kỳ một cách đúng thời điểm và phù hợp để đảm bảo thanh khoản. Chính phủ cũng sẽ giải quyết rủi ro thanh khoản của các định chế tài chính vừa và nhỏ, ngăn chặn rủi ro lan ra trên toàn hệ thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại