“Một buổi phỏng vấn, hoặc chỉ là một buổi thảo luận về thông tin nền? Chúng tôi không hứng thú nói chuyện với các ông”, Liao Liang – phụ trách cơ sở truyền hình của Đài Global Television Network (CGTN) tại Nairobi, thủ đô Kenya – thẳng thừng từ chối lời đề nghị phỏng vấn của báo Đức Spiegel qua email. Ông cũng không cho phép các phóng viên của báo Đức tới thăm trụ sở của đài này tại quốc gia châu Phi nói trên.
Là một biên tập cấp cao thuộc đài CGTN, nhiệm vụ của Liao Liang tại Kenya là gây dựng một hình ảnh Trung Quốc tốt đẹp thông qua các hoạt động dự án tham vọng ở nước ngoài – đặc biệt là những hoạt động ở châu Phi.
Trụ sở của CGTN tại Nairobi chiếm trọn 3 tầng trong khu nhà cao cấp K-Rep Centre ở Kilimani.
Kiểm tra an ninh được triển khai ngay cổng vào của tòa nhà, bao gồm việc khám xét toàn người và trả lời câu hỏi từ người lễ tân. Tuy nhiên, ngay khi biết được khách đến muốn gặp ông Liao, nhân viên lễ tân sẽ trả lời “bạn không được phép gặp ngài ấy”.
Liao Liang là một nhân vật quyền lực tại CGTN. Trước đây, ông từng là sĩ quan quân đội song có ít thông tin nhân vật này được tiết lộ. Cơ sở CGTN tại Nairobi có tổng cộng 150 nhân viên, bao gồm các phóng viên đến từ Trung Quốc, Nam Phi, Anh, Nigeria, Kenya song không một nhân viên nào đồng ý trả lời phỏng vấn trước lời đề nghị của báo Đức. “Họ sợ ngài Liao”, một nhân viên giấu tên nhấn mạnh.
Có cơ hội tới thăm trụ sở chính của CGTN tại Bắc Kinh ba năm trước, người này còn tiết lộ tiêu chí làm việc của CGTN là "Nói tốt về Trung Quốc. Nhiệm vụ của phóng viên CGTN không chỉ là đưa những thông tin tích cực về sự mở rộng của Trung Quốc ở châu Phi mà còn “phá vỡ” sự thống trị của truyền thông phương Tây.
Hình ảnh thân thiện
Trong 20 năm qua, Trung Quốc củng cố vị trí trở thành đối tác kinh tế mạnh nhất của châu Phi, với kim ngạch thương mại hàng năm lên tới hơn 200 tỷ USD. Chỗ đứng của Trung Quốc trong khu vực không chỉ dừng lại ở hàng hóa và dịch vụ. Hai năm trước, quốc gia châu Á này đã thành lập một căn cứ hải quân ở Djiboutin.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, phần lớn người dân châu Phi hoan nghênh sự có mặt của Trung Quốc tại khu vực, nhưng giới phê bình, trong đó có tác giả người Senegal Adama Gaye, đã cảnh báo về các hệ lụy và mặt trái của chiến lược này của Bắc Kinh.
Truyền thông là một trong những công cụ thúc đẩy chiến lược phát triển của Trung Quốc ở châu Phi. Bắc Kinh sử dụng các công cụ quyền lực mềm. Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ trước các sáng kiến ngoại giao và đóng góp khoảng 2.500 binh sĩ cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Congo, Nam Sudan và Mali.
Trung Quốc cũng ra tay giúp đỡ bằng những nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh Ebola và thậm chí còn tài trợ cho việc xây dựng trụ sở của Liên minh châu Phi tại Addis Ababa. Quốc gia châu Á này còn thành lập 49 Học viện Khổng Tử trên khắp lục địa Đen để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Công cụ cốt lõi trong chính sách “Vươn ra” của Trung Quốc là chiến dịch truyền thông toàn diện triển khai từ tháng 3/2018. Hàng năm, có khoảng 1.000 phóng viên các nước châu Phi tham gia chương trình đào tạo tại Trung Quốc. Trong các chương trình học này, các nhà báo châu Phi được khuyến khích kể những câu chuyện tích cực về Trung Quốc tại châu Phi. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ cho các đơn vị truyền thông tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, đài truyền hình kỹ thuật số trả phí StarTimes của Trung Quốc phủ sóng trên 30 quốc gia châu Phi và được coi là một kênh kỹ thuật số có sức ảnh hưởng nhất tại châu lục.
Lo ngại về sự thống trị truyền thông
Nhà nghiên cứu Cedric Alviani tại tổ chức giám sát tự do báo chí quốc tế “Phóng viên Không biên giới” (RSF) cảnh báo Bắc Kinh hiện tìm cách xuất khẩu mô hình truyền thông của nước này tới châu Phi. “Nó sẽ hình thành một trật tự truyền thông thế giới mới, nơi mà hoạt động báo chí sẽ được thay thế bằng tuyên truyền nhà nước”, nhà nghiên cứu Alviani giải thích.
Theo RSF, Trung Quốc cần truyền thông “thân thiện” tại châu Phi để tuyên truyền một hình ảnh tốt về họ và các dự án của họ trước công chúng. Đổi lại, điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận các nguồn tài nguyên khổng lồ của lục địa này.
Ông Alviani cho rằng sự phát triển của CGTN tại châu Phi - với trụ sở ở Nairobi và văn phòng tại Cairo, Johannesburg và Lagos tuyển dụng hàng trăm nhà báo châu Phi và nhiều nhân viên làm việc tự do - là một “điều đáng lo ngại”.
“CGTN có chất của châu Phi; nhìn bề ngoài đơn vị này được cho là hình thành vì lợi ích của châu Phi nhưng thật ra đó là một kênh tuyên truyền tuân thủ nghiêm ngặt theo lợi ích của Trung Quốc. Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy bất kỳ tiếng nói phản đối những gì Trung Quốc đang làm ở châu Phi trên CGTN. Tất cả mọi thứ mà người xem nhìn thấy là một hình ảnh Trung Quốc tốt đẹp”, nhà nghiên cứu bày tỏ.
https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-mo-rong-suc-manh-truyen-thong-tai-chau-phi-20190722082703490.htm