Liên minh châu Âu kiện Trung Quốc xâm phạm các bằng sáng chế công nghệ. Trong ảnh: Một nhà hàng sử dụng thiết bị phiên dịch để giao tiếp với khách nước ngoài bên trong khu vực tổ chức Olympic mùa đông ở TP Trương Gia Khẩu hôm 14-2 Ảnh: REUTERS
Mới nhất là vào ngày 18-2, Liên minh châu Âu (EU) tố cáo nền kinh tế số hai thế giới hạn chế công ty thuộc liên minh này bảo vệ các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu (SEP) của mình tại tòa án nước ngoài.
Theo EU, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các công ty viễn thông, như Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), vốn nắm giữ SEP của các công nghệ điện thoại di động quan trọng như 5G. Các nhà sản xuất cần có giấy phép sử dụng SEP để bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế nhất định.
Hãng tin DPA (Đức) dẫn lời Ủy ban châu Âu (EC) cho biết từ tháng 8-2020, Trung Quốc ngăn cản các công ty EU "tự bảo vệ quyền lợi khi SEP của họ bị sử dụng bất hợp pháp hoặc sử dụng mà không trả phí thỏa đáng bởi các bên khác, đơn cử là các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc". EC không nêu đích danh các công ty Trung Quốc.
Nếu công ty "bị hại" kiện ra các tòa án bên ngoài Trung Quốc, những khoản phạt "khủng" sẽ giáng xuống, gây sức ép buộc họ hạ phí cấp phép sử dụng SEP xuống dưới mức thị trường. EC nêu ra một trường hợp trong đó khoản phạt theo ngày lên tới 130.000 euro/ngày (147.540 USD).
"Chính sách này của Trung Quốc có sức phá hoại cực kỳ lớn đối với sự đổi mới lẫn tăng trưởng ở châu Âu, tước đoạt khả năng sử dụng các sáng chế có thể đem lại lợi thế công nghệ của các công ty châu Âu" - EC nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận của WTO về quyền sở hữu trí tuệ.
Theo trình tự của WTO, vòng tham vấn kéo dài 60 ngày giữa các bên tranh chấp sẽ là bước đi đầu tiên. Nếu Bắc Kinh từ chối hoặc không tích cực tham gia tìm "giải pháp thỏa đáng", EU có thể đưa vụ việc lên một hội đồng trọng tài, từ đó có khả năng dẫn đến các biện pháp trả đũa như áp thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh nói họ "lấy làm tiếc" trước quyết định của EU và tuyên bố luôn tuân thủ hệ thống thương mại đa phương. Trước vụ kiện này, vào cuối tháng 1, EU cũng kiện Bắc Kinh vì gây trở ngại thương mại cho Lithuania sau khi Vilnius thắt chặt quan hệ với đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Không chỉ vướng phải tranh chấp với EU, Trung Quốc mới đây phản pháo Mỹ sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai "chê" Trung Quốc vẫn không tuân thủ các quy định của WTO dù đã có 20 năm là thành viên tổ chức này.
Báo cáo thường niên trước quốc hội Mỹ, bà Tai cho biết Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế phi thị trường và do nhà nước dẫn dắt, gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người lao động trên toàn cầu.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng hôm 17-2 cho rằng các tuyên bố của Mỹ là vô căn cứ. Ông Gao kêu gọi Mỹ bảo đảm các công cụ thương mại của Mỹ tuân thủ quy định của WTO thay vì theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và bắt nạt dưới danh nghĩa tìm kiếm một chiến lược mới.
Tranh cãi giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không dừng lại ở đó. Theo Reuters, Bắc Kinh cũng cho rằng Mỹ "vô trách nhiệm" khi cho một số trang thương mại điện tử của Trung Quốc vào "danh sách tai tiếng" với cáo buộc tiếp tay cho hàng giả và vi phạm bản quyền.
Trong số 42 trang thương mại điện tử và 35 chợ truyền thống bị Mỹ nêu tên có các trang trực tuyến do hai tập đoàn Tencent và Alibaba điều hành.