Trung Quốc liên tiếp dành lời khó nghe cho Ngoại trưởng Mỹ, căng thẳng 2 nước dâng cao

Anh Tú |

Trong một dịp hiếm hoi, cả hai người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc đều lên tiếng phản đối Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bằng những lời lẽ rất nặng nề. Điều này cho thấy quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đang trong giai đoạn rất căng thẳng.

Trong một dịp hiếm hoi, cả hai người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc đều lên tiếng phản đối Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bằng những lời lẽ rất nặng nề. Điều này cho thấy quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đang trong giai đoạn rất căng thẳng.

Như đã đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tuyên bố trong một cuộc họp vào Chủ nhật 22.9 với các bộ trưởng ngoại giao của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan bên lề Đại hội đồng thường niên của Liên hợp quốc. Ông kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các người dân thiểu số về Trung Quốc, nơi mà ông cho rằng họ phải đối mặt với sự đàn áp.

Ông Pompeo nói rằng việc Bắc Kinh bắt giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số.

Vấn đề Tân Cương vốn rất nhạy cảm với Trung Quốc nên sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, câu chuyện đã được đem chất vấn với Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua 23.9, phóng viên đặt câu hỏi: “Vào ngày 22.9, Bộ trưởng Pompeo đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến Tân Cương khi gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao Trung Á. Ông nói rằng những gì Trung Quốc đã làm ở Tân Cương không phải là chống khủng bố và kêu gọi tất cả các nước khước từ yêu cầu của Trung Quốc trong việc hồi hương người Duy Ngô Nhĩ. Nhận xét của ngài là gì?”

Ông Cảnh Sảng – người đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc buổi họp báo hôm qua trả lời: “Bất chấp sự thật, một chính trị gia nào đó ở Mỹ đã cố gắng bôi nhọ và phỉ báng chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương hết lần này đến lần khác trong một nỗ lực thô bạo can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Điều đó tiết lộ đầy đủ tiêu chuẩn kép mà Mỹ áp dụng trong chống khủng bố. Trung Quốc rất bất và kiên quyết phản đối điều đó.

Các vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không nước ngoài nào có quyền can thiệp. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành sách trắng cách đây không lâu, cung cấp một thông tin đầy đủ về các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề ở Tân Cương. Các biện pháp này về bản chất không khác gì các biện pháp chống khủng bố và phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan được thực hiện bởi nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.

Thực tế có thể chứng minh rằng các biện pháp này đã tạo ra kết quả có thể kiểm chứng. Tân Cương bây giờ đang hưởng thụ sự ổn định xã hội, sụ chuyển mình kinh tế và sự hòa hợp lành mạnh giữa các dân tộc. Đã không thấy cuộc tấn công khủng bố nào trong ba năm qua. Người dân của tất cả các dân tộc ở đó ủng hộ các biện pháp của chính phủ để chống khủng bố và bảo vệ sự ổn định.

Người dân từ nhiều quốc gia đã đến thăm Tân Cương để biết thêm về các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề. Nhiều người trong số họ đã nhận xét tích cực về công việc của chính phủ Trung Quốc trong việc đấu tranh và ngăn chặn khủng bố theo luật pháp. Họ tin rằng kinh nghiệm thành công của Tân Cương là đáng để học hỏi. Điều này không thể bị từ chối hoặc xóa sạch bởi một vài từ của một cá nhân nào đó ở Mỹ.

Thay vì đánh lừa thế giới, những lời dối trá của các chính trị gia Mỹ sẽ chỉ tiết lộ thêm ý định chính trị mờ ám của họ. Chúng tôi khuyên các cá nhân có liên quan ở Mỹ loại bỏ tiêu chuẩn kép trong chống khủng bố, ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về Tân Cương và phớt lờ các lực lượng khủng bố bạo lực của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan và kiềm chế không ủng hộ bất kỳ lực lượng ly khai nào chống Trung Quốc để sau cùng là tránh gây tổn hại lợi ích cho chính nước Mỹ”.

Trung Quốc liên tiếp dành lời khó nghe cho Ngoại trưởng Mỹ, căng thẳng 2 nước dâng cao - Ảnh 1.

Tân Cương trở thành điểm nóng mới trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh: Internet

Cách trả lời của ông Cảnh Sảng – vụ phó vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có vẻ chưa đầy đủ, chưa thể hiện đúng tâm ý nên sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có tiếp tuyên bố từ bà Vụ trưởng Hoa Xuân Oánh. Trước câu hỏi tương tự: “Vào ngày 22.9, sau cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao Trung Á, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chiến dịch đàn áp của Trung Quốc tại Tân Cương không phải là chống khủng bố, mà là về nỗ lực xóa bỏ đức tin và văn hoá Hồi giáo của người dân tại đây. Ngoài ra, Mỹ sẽ chú ý đến cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương?”, bà Hoa trả lời:

“Nhận xét của một số quan chức Mỹ là những lời vu khống thuần túy hàm ý coi thường sự thật.

Trong gần hai thập kỷ, chủ nghĩa khủng bố bạo lực đã tàn phá Tân Cương. Ở mức tồi tệ nhất, trung bình có một cuộc tấn công mỗi ngày. Cuộc sống vô tội đã bị mất, bao gồm cả những người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Kể từ khi một loạt các biện pháp chống khủng bố và phòng ngừa chống cực đoan được thực hiện, chẳng hạn như phát triển các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề, Tân Cương đã không thấy một cuộc tấn công khủng bố bạo lực nào trong ba năm liên tiếp.

Quyền sinh hoạt và phát triển của gần 25 triệu cư dân của tất cả các nhóm dân tộc trong khu vực đã được đảm bảo một cách hiệu quả nhất. Những biện pháp này cũng đã nhận được chứng thực và sự ủng hộ từ người dân của tất cả các dân tộc ở Tân Cương. Đây là một thực tế cơ bản mà không ai có thể phủ nhận. Bất kỳ người nước ngoài nào đã đến Tân Cương sẽ nhận ra và khẳng định điều này.

Chúng tôi kêu gọi các quan chức Mỹ có liên quan phải đối mặt với sự thật một cách trung thực, đề cao sự khách quan và công bằng ở mức tối thiểu, không áp dụng tiêu chuẩn kép về vấn đề chống khủng bố và không lấy đó làm lý do để tấn công Trung Quốc một cách vô lý”.

Thực ra, Tân Cương là vấn đề nhạy cảm nhưng không mới với Trung Quốc. Hồi đầu tháng 7, đã có 22 nước (trong đó có cả Canada, Nhật, Úc, New Zeland rồi các quốc gia châu Âu như Đức, Anh, Pháp...) liên danh gửi thư lên Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc đòi hỏi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo. Phản ứng khi đó của Trung Quốc khá nhẹ nhàng khi bà Hoa Xuân Oánh giải thích từ tốn chứ không chỉ trích nặng nề.

Trung Quốc khi ấy cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước (ban đầu là 37 sau lên 50) về vấn đề Tân Cương trong đó có Tajikistan và Turkmenistan là 2 nước Hồi giáo gần Tân Cương.

Nhưng lúc này, Mỹ nhảy vào cuộc sau khi đứng ngoài vụ vận động hồi đầu tháng 7 và Mỹ tỏ ra cao tay khi triệu tập, kêu gọi với các nước Trung Á. Chỉ cần các nước Trung Á thay đổi thái độ thì thế giới sẽ nhìn Tân Cương ở góc độ khác.

Sau những gì đang xảy ra ở Hồng Kông mà Trung Quốc đã khẳng định do các quan chức Mỹ đứng đằng sau thao túng thì Bắc Kinh tiếp tục bày tỏ thái độ giận dữ khi Washington có những bước tiếp cận đột phá ở vấn đề Tân Cương. Vấn đề nhạy cảm ở Tân Cương khi Mỹ đề cập đúng là có sức ảnh hưởng lớn khiến Trung Quốc lo ngại hơn nhiều so với việc 22 nước chỉ trích hồi mùa hè.

Nhưng điều đáng lo ngại hơn là những lời qua tiếng lại giữa Bộ ngoại giao Mỹ - Trung thời gian qua phản ánh sự căng thẳng không thể kiềm chế giữa hai nước. Điều này phủ bóng đen lớn lên vòng đàm phán thương mại thứ 13 của Washington và Bắc Kinh vào tháng 10 tới đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại