Tờ Bloomberg đưa tin Toà án Nhân dân Tối cao và Bộ Nhân lực và An ninh Xã hội Trung Quốc ngày 27/8 đã công bố một bản báo cáo dài về tình trạng vi phạm luật lao động cũng như làm thêm giờ nhiều bất hợp lý, hay còn gọi là mô hình 996, tức làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày/tuần.
Báo cáo đề cập đến 10 trường hợp phải xét xử trong đó nhân viên bị buộc phải làm việc thêm giờ gây hại đến sức khoẻ. Trong một trường hợp, một hãng công nghệ không được nêu tên đã đề nghị nhân viên ký cam kết không nhận tiền làm thêm giờ và bị toà án phán quyết là sai luật.
Hay một trường hợp khác, một nhân viên hãng truyền thông bị bất tỉnh trong nhà vệ sinh của nơi làm việc vào lúc 5h30 sáng và qua đời sau đó vì truỵ tim. Toà án phán quyết đây là trường hợp tử vong liên quan đến cường độ làm việc quá mức, đồng thời yêu cầu công ty phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 400.000 Nhân dân tệ (1,4 tỷ đồng).
Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phẫn nộ trong dư luận về lịch làm việc căng thẳng của họ.
Các số tỷ phú công nghệ như người sáng lập Alibaba Group Holding Jack Ma và giám đốc JD.com Richard Liu từ lâu đã xác nhận làm việc cật lực là phương án để tồn tại trong một ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt và cũng chính là điều cần thiết để tích lũy tài sản cá nhân. Tỷ phú Jack Ma vào tháng 4/2019 từng nói rằng việc làm thêm giờ và lao động 72 tiếng/tuần đối với nhân viên trẻ là “may mắn lớn”.
Nhưng tình thế này đang thay đổi. Cuộc tranh cãi về thời gian làm việc kéo dài đã dấy lên hồi đầu năm nay sau cái chết của hai nhân viên tại sàn thương mại điện tử Pinduoduo. Một phụ nữ đã ngã gục khi đang đi bộ về nhà cùng với các đồng nghiệp vào lúc 1h30 sáng và không thể cứu chữa, trong khi một nhân viên khác lại chọn cách tự tử để chấm dứt áp lực.
Một số công ty mạng xã hội trong đó có ByteDance và Kuaishou đã thực hiện những biện pháp để giảm giờ làm việc từ vài tháng gần đây.
Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội và Toà án Tối cao Trung Quốc đang muốn phát triển các bộ quy tắc hướng dẫn để giải quyết những vụ tranh chấp lao động trong tương lai.
“Vấn đề làm thêm giờ ở các ngành công nghiệp và các công ty đang thu hút sự chú ý của dư luận. Theo pháp luật, người lao động được hưởng thù lao tương ứng và có thời gian nghỉ ngơi, hưởng ngày lễ. Người sử dụng lao động phải tuân thủ chế độ quốc gia về thời gian làm việc. Làm thêm giờ dễ dẫn đến tranh chấp lao động, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhân viên và chủ sử dụng lao động cũng như sự ổn định xã hội”, bản báo cáo ngày 27/8 viết rõ.
Hàng thập kỷ nay, tình trạng làm ngoài giờ kéo dài và quá mức chịu đựng thường xuyên xảy ra trong nền công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc. Hiện tại, văn hóa làm việc thêm giờ đã lan rộng khắp các công sở và doanh nghiệp tại quốc gia dân nhất thế giới này.
Khảo sát do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Thống kê Quốc gia tiến hành năm 2018 cho thấy trung bình người dân nước này chỉ có 2,27 giờ rảnh rỗi mỗi ngày – chưa bằng một nửa so với người dân ở Mỹ, Đức và Anh.