Nhóm nghiên cứu đã kết hợp các công nghệ giải trình tự gen của virus và dịch tễ học để lập bản đồ chính xác về chuỗi lây truyền hoàn chỉnh của biến thể Delta, cũng như kết hợp các nguồn tài liệu lâm sàng.
Theo các nhà nghiên cứu, virus lây truyền trong đợt dịch ở Quảng Châu chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc gần. Trong đó, 30,8% trường hợp lây nhiễm qua các bữa ăn chung, tiếp đó là tiếp xúc trong gia đình (30,13%), lây truyền trong cộng đồng (18,59%) và qua các đường lây truyền khác, gồm công việc và tiếp xúc xã hội (19,87%).
Nghiên cứu cũng cho thấy, biến thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và tốc độ lây truyền nhanh hơn, với thời gian ủ bệnh trung bình chỉ 4,7 ngày, ngắn hơn đáng kể so với dòng ban đầu (6,3 ngày). Chủng virus này cũng có thể lây lan qua 4 thế hệ chỉ trong 10 ngày, với sự lây lan nhanh nhất giữa các thế hệ chỉ mất chưa đầy 24 giờ. Mỗi thế hệ đều có bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch.
Tải lượng virus cũng cao hơn đáng kể ở những người nhiễm biến thể Delta so với chủng ban đầu. Hàm lượng virus ở bệnh nhân nhiễm chủng Delta cao tới hơn 1.000 lần và thời gian để xét nghiệm của bệnh nhân chuyển sang âm tính cũng lâu hơn đáng kể chủng ban đầu.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, biến thể Delta là yếu tố nguy cơ dự báo bệnh chuyển nặng. Trong số các bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên bị Covid-19, nguy cơ nguy kịch ở nhóm biến thể Delta cao hơn 1,45 lần so với nhóm ban đầu và bệnh nhân bị nhiễm chủng virus này tiến triển thành nguy kịch cũng nhanh hơn 2,98 lần so với chủng ban đầu.
Theo nghiên cứu này, truy vết nhanh chóng, cách ly để kịp thời phát hiện người bệnh, kiểm soát nhanh các khu vực trọng điểm (tức khu vực có ca bệnh) và xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả người dân ở một số khu vực trong trường hợp đặc biệt, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn sự bùng phát của các biến thể lây lan nhanh như Delta./.