Trung Quốc lần đầu công bố mẫu đất ở phía xa Mặt Trăng

Bích Thuận |

Sau khi công bố bài nghiên cứu đầu tiên về các mẫu đất ở phía xa (vùng tối) Mặt Trăng, Trung Quốc hôm qua (21/9) đã lần đầu tiên cho ra mắt các mẫu đất hiếm hoi này.

Các mẫu đất này được đặt tại Phòng thí nghiệm mẫu vật Mặt Trăng của Đài Thiên văn quốc gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh. Theo các hình ảnh phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 21/9, những mẫu đất này có màu nhạt hơn so với các mẫu được đem về từ phía trước (vùng sáng) Mặt Trăng.

Mẫu đất ở vùng tối Mặt Trăng do Trung Quốc thu thập được. Ảnh: VCG.

Ông Lý Xuân Lai, Phó Tổng thiết kế của sứ mệnh Hằng Nga-6, cho biết: “Có rất nhiều chất màu trắng trong các mẫu đất Mặt Trăng mang về từ tàu Hằng Nga-6. Thứ nhất là do khoáng chất tràng thạch (hay đá bồ tát, fenspat) trong đất Mặt Trăng nhiều hơn rõ rệt so với đất lấy về từ sứ mệnh Hằng Nga-5. Thứ hai là có nhiều mảnh thủy tinh hơn, nên màu sắc về tổng thể có vẻ nhạt hơn.”

Hồi tháng 6, chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh Hằng Nga-6, mang về 1.935,3 gam vật chất. Đây là những mẫu nghiên cứu đầu tiên thu thập được ở phía xa (vùng tối) của Mặt Trăng.

Các mẫu này đã được niêm phong trong các thùng kín khí thiết kế đặc biệt. Sau gần 3 tháng, những mẫu vật ngoài Trái Đất này đã được gỡ bỏ niêm phong và được chia thành 10 hộp nhỏ, mỗi hộp khoảng 150 gam.

Được biết, đây là các mẫu bề mặt, vẫn còn một lượng nhỏ các mẫu khoan vào lòng Mặt Trăng dự kiến sẽ mất thêm 1 hoặc 2 tháng nữa mới có thể xử lý xong.

Hôm 17/9, một nhóm nghiên cứu chung từ một số tổ chức của Trung Quốc đã xuất bản bài nghiên cứu đầu tiên về các mẫu đất ở phía xa Mặt Trăng trên Tạp chí Khoa học quốc gia - National Science Review.

Bài viết đã mô tả các đặc tính vật lý, khoáng vật và địa hóa của các mẫu đất lấy về từ phía xa Mặt Trăng. Bài nghiên cứu cho rằng, các mẫu đất này không chỉ lấp đầy khoảng trống lịch sử trong nghiên cứu về phía xa của Mặt Trăng, mà còn cung cấp bằng chứng trực tiếp cho việc nghiên cứu quá trình tiến hóa ban đầu của Mặt Trăng, hoạt động núi lửa và lịch sử va chạm ở phía xa của Mặt Trăng, đồng thời mở ra những góc nhìn mới để tìm hiểu sự khác biệt địa chất giữa phía trước và phía xa của Mặt Trăng.

Tiếp theo Hằng Nga-6, Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh Hằng Nga-7 vào khoảng năm 2026, nhằm tìm kiếm bằng chứng về băng nước trên cực Nam Mặt Trăng.

Ông Ngô Vĩ Nhân, Tổng thiết kế chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc cho biết, nếu thành công, đây có thể là sứ mệnh đầu tiên trên thế giới đáp xuống cực Nam Mặt Trăng, tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài của con người tại đây và đặt nền móng cho con người tiến xa hơn vào không gian sâu, như sao Hỏa hay các hành tinh khác từ Mặt Trăng trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại