Trung Quốc lại “phơi áo” ở giải châu Á, thêm một lần phải “ghen tị” vì Việt Nam, Thái Lan?

Tiểu Mã |

Đối đầu với “ông kẹ” U23 Hàn Quốc ở trận mở màn giải châu Á có thể là một thử thách quá tầm với U23 Trung Quốc.

Hơn ba tháng trước, U23 Trung Quốc của cựu HLV Hiddink gây sốc khi đại bại trước U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo 0-2 ngay tại Vũ Hán. Dù chỉ là một trận giao hữu song kết quả đó đủ để khiến người hâm mộ Trung Quốc bàng hoàng rồi trở thành "giọt nước tràn ly" khiến ông Hiddink bị sa thải.

Về sau, trận thua tai hại ấy được chính truyền thông Trung Quốc xếp vào nhóm "những thất bại nhục nhã nhất của bóng đá Trung Quốc năm 2019". Cũng suốt mấy tháng qua, truyền thông Trung Quốc còn cho rằng bóng đá nước này trong đó có đội U23 sẽ phải "ghen tị" khi nhìn vào sự vươn lên của các đội bóng vùng Đông Nam Á như Việt Nam hay Thái Lan.

Tại giải U23 châu Á năm nay, Trung Quốc không may khi nằm ở bảng "tử thần" cùng Uzbekistan, Hàn Quốc và Iran. Đây chắc chắn là bảng đấu khốc liệt nhất của giải đấu năm nay và tờ báo Sina hoàn toàn có lý khi nhận định rằng rất có thể Trung Quốc sẽ chỉ sắm vai "kẻ lót đường" trên cuộc đua tam mã của 3 địch thủ còn lại.

Trung Quốc lại “phơi áo” ở giải châu Á, thêm một lần phải “ghen tị” vì Việt Nam, Thái Lan? - Ảnh 1.

Truyền thông Trung Quốc rất bi quan cho đội U23 trước thềm giải U23 châu Á năm nay.

Vào lúc 20h15 tối nay (9/1), U23 Trung Quốc có trận mở màn gặp Hàn Quốc, một trong những ứng cử viên cho chức vô địch. Có một thống kê đáng chú ý, đó là trong 6 lần đối đầu gần nhất, U23 Hàn Quốc giành tới 5 chiến thắng và 1 trận hoà. Trong 6 trận đó, U23 Trung Quốc chỉ ghi được 1 bàn thắng và để thủng lưới 11 lần. Những con số này minh chứng cho sự khác biệt "một trời một vực" giữa hai đội bóng vùng Đông Á.

Nếu xét về thành tích các lần tham dự giải U23 châu Á trong quá khứ, Trung Quốc cũng không bao giờ "có cửa" để so với Hàn Quốc. Trong ba lần tham dự VCK U23 châu Á, Trung Quốc đều không qua nổi vòng bảng. Họ chỉ thắng đúng 1 trận và thua đến 8. Với Hàn Quốc, họ từng giành ngôi Á quân năm 2016 và cũng vào đến bán kết các năm 2014 và 2018.

Về yếu tố lực lượng ở thời điểm hiện tại, U23 Trung Quốc chắc chắn cũng bị đánh giá "cửa dưới" nếu so với đối thủ xứ Kim chi. Trong đội hình của U23 Trung Quốc không có một cầu thủ nào thực sự nổi bật. 

Sự yếu ớt, thiếu gắn kết trong đội hình của Trung Quốc được thể hiện rõ nét thông qua trận giao hữu mới nhất (ngày 19/11/2019) gặp Triều Tiên. Tuy được chơi trên sân nhà và còn có lợi thế lớn khi đối thủ dính một thẻ đỏ, thế nhưng Trung Quốc vẫn bất lực chấp nhận thất bại 0-1.

Trung Quốc lại “phơi áo” ở giải châu Á, thêm một lần phải “ghen tị” vì Việt Nam, Thái Lan? - Ảnh 2.

U23 Trung Quốc lép vế hoàn toàn nếu so sánh với Hàn Quốc.

Có lẽ, hiếm khi nào bóng đá Trung Quốc lại khiến người hâm mộ phải bi quan như thời điểm hiện tại. Từ ĐTQG, U23 đến U19, tất cả đều để lại nỗi thất vọng theo những cách khác nhau. Một số tờ báo như Sina hay Sohu đồng loạt cho rằng bóng đá Trung Quốc đang tụt dốc và "phải xấu hổ" khi nhìn vào sự vươn lên của Việt Nam, Thái Lan ở Đông Nam Á.

Trở lại trận "chung kết" đầu tiên với người Hàn vào tối nay, có vẻ như mọi yếu tố đều đang chống lại U23 Trung Quốc. Với sự thua thiệt về mọi mặt, sẽ là rất khó để Trung Quốc có thể cản bước đối thủ. Ngay cả một trận hòa khả năng cũng là mục tiêu nằm ngoài tầm với với thầy trò HLV Hao Wei.

Trái với sự chênh lệch giữa cặp đấu Hàn Quốc vs Trung Quốc thì ở cặp đấu còn lại tại bảng C giữa Uzbekistan và Iran lại được đánh giá là khá cân bằng. Do không có nhiều sự chênh lệch nên sẽ là không dễ để dự đoán về kết quả của trận đấu này.

Cũng trong ngày 9/1, bảng B sẽ khởi tranh. Qatar có trận mở màn gặp đối thủ cùng thuộc khu vực Trung Đông Syria. Trong khi đó, một ứng viên khác cho chức vô địch là Nhật Bản sẽ có cơ hội giành chiến thắng đầu tiên khi đối đầu Saudi Arabia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại