Theo Straits Times, quyết định điều động tàu sân bay trực thăng Izumo tới Biển Đông của Nhật Bản được xem là thông điệp rõ ràng trước mối quan ngại Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ngoài ra, tàu sân bay Izumo còn tham gia các cuộc tập trận chung hải quân với Mỹ và Ấn Độ. Đây cũng là hai quốc gia lo ngại nhiều nhất về hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc vẫn không ngừng thiết lập các căn cứ quân sự trên những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Thậm chí, lực lượng tàu thuyền Trung Quốc cả dân sự và quân sự cũng không ngại ngùng đi qua các vùng biển đang xảy ra tranh chấp chủ quyền. Nhiều thông tin còn cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách can thiệp vào chuyện nội bộ của ASEAN.
Liệu Đông Nam Á có phải là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc? Thực tế, câu trả lời là Bắc Kinh dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc cải thiện quan hệ với phương Tây.
Bởi ngay cả khi giành được quyền kiểm soát ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn chưa thể đảm bảo chắc chắn lợi ích chiến lược. Thay vào đó, việc thiết lập hành lang quan hệ với phương Tây giúp Bắc Kinh nắm bắt được thêm nhiều cơ hội quan trọng. Đây cũng chính là một phần trong chính sách kinh tế toàn diện và quan trọng của Trung Quốc mang tên "Một vành đai, một con đường".
Có thể thấy, mục tiêu chính trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc là tập trung vào mối quan hệ địa – kinh tế với phương Tây chứ không phải Đông Nam Á. Cụ thể, Trung Quốc hiện có tham vọng biến đại lục Á – Âu thành một trung tâm vận tải và công nghiệp nhằm kết nối với các thị trường toàn cầu. Phần lớn các dự án của chiến lược "Một vành đai, một con đường" hiện được triển khai ở Trung Á thay vì Đông Nam Á. Từ Trung Á, các dự án của Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sang Nam Á, Nam – Tây Á và Đông Âu.
Đây chính là những thị trường đầy tiềm năng tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu. Việc tăng cường hoạt động kết nối thương mại Trung Quốc - Đông Nam Á có thể cải thiện chuỗi cung ứng và giá trị cho nền kinh tế phía nam Trung Quốc. Nhưng nói rộng hơn, nó không đủ sức cải thiện nền kinh tế toàn diện của Trung Quốc.
Còn tại đại lục Á – Âu, Trung Quốc đang cho triển khai hàng loạt dự án. Điển hình, tại Kazakhstan, Trung Quốc đang xây dựng các dự án có vốn đầu tư chung của chính phủ Kazakhstan và các cơ quan tài chính trong khu vực. Còn tại Trung Á, hàng loạt con đường tơ lụa cũng đang được tái thiết. Trong khi đó, Đông Nam Á lại đang thiếu cơ sở hạ tầng. Và nếu triển khai các dự án ở đây, Trung Quốc sẽ tốn thêm nhiều kinh phí.
Một lý do khác khiến Trung Quốc chọn lựa Trung Á để đầu tư thay vì Đông Nam Á là vì Bắc Kinh muốn né tránh sự canh tranh địa chính trị. Nói cách khác, ở Đông Nam Á, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều đối thủ lớn như Nhật Bản.
Trong khi đó, Tokyo đã thiết lập một mạng lưới lợi ích công nghiệp ở Đông Nam Á đồng thời cho triển khai các dự án cơ sở hạ tầng vận tải đa quốc gia. Nhật Bản còn đang cố gắng xây dựng một hành lang kết nối Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Những dự án này của Nhật Bản đang đặt ra thách thức cho Trung Quốc. Trong khi phương thức tiếp cận của Nhật Bản với các nước sở tại cũng được lòng hơn Trung Quốc nhờ kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và chất lượng cao.
Cũng theo Straits Times, các tham vọng của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với những thách thức đến từ Mỹ. Nhiều khả năng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục chọn phương thức đối đầu với Trung Quốc như người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama. Cụ thể, ông Trump sẽ thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực và những đồng minh truyền thống như Thái Lan và Philippines.
Lý do cuối cùng khiến Trung Quốc chú tâm hướng sang phương Tây là tránh phải lệ thuộc vào eo biển Malacca. Lâu nay, nhiều mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu bao gồm dầu mỏ phải đi qua khu vực này. Khi dịch chuyển hướng sang phương Tây, Trung Quốc có thể sử dụng Myanmar hay các nước láng giềng như trạm trung chuyển dầu mỏ và nhiều mặt hàng khác để đưa vào đại lục mà không cần đi qua eo biển Malacca.
Mặc dù, Trung Quốc còn có thể tăng cường sự hiện diện quân sự ở các vùng biển Đông Nam Á để đảm bảo an ninh song các tàu hàng vẫn phải đi qua khu vực này. Do đó, để tránh sự lệ thuộc hoàn toàn, Trung Quốc đã cho xây các hành lang cơ sở hạ tầng hướng về phía tây. Trong đó, các cầu cảng ở Iran hay Pakistan là giải pháp chiến lược với Bắc Kinh.
Nói cách khác, dù muốn giành vị thế số 1 ở Đông Nam Á nhưng Trung Quốc vẫn muốn khẳng định vị trí toàn cầu bằng cách thiết lập các mạng lưới kết nối kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sụt giảm hiện nay, Trung Quốc sẽ chọn giải pháp đầu tư sang đại lục Á – Âu thay vì Đông Nam Á để tránh sự cạnh tranh chiến lược.