Lỗ siêu sâu được tạo ra tại tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc . Đây là khu vực chính để sản xuất khí đốt và các kỹ sư dự kiến sẽ tìm thấy trữ lượng khí đốt tự nhiên ở đó. Vài tuần trước đó, Trung Quốc bắt đầu khoan một lỗ siêu sâu khác, 11.100 mét, ở khu tự trị Tân Cương phía tây bắc nước này. Lỗ khoan sâu nhất thế giới hiện nay là 12.262 mét, nằm ở phía tây bắc nước Nga, thuộc một dự án khoa học thời Liên Xô mất 20 năm để hoàn thành.
Việc khoan siêu sâu cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về cách Trái đất được hình thành với lớp vỏ đóng vai trò như một dòng thời gian địa chất hoặc sự hình thành của thế giới. Việc này cũng nhằm mục đích thương mại - khai thác nguồn dự trữ năng lượng sinh lợi tiềm tàng nằm sâu bên dưới.
Công nhân dầu khí tại mỏ dầu Tarim ở Tân Cương, Trung Quốc ngày 9/3/2023. Ảnh: VCG
Cả hai công ty liên quan đến các lỗ khoan siêu sâu của Trung Quốc đều là các tập đoàn dầu khí lớn của nhà nước. Dự án khoan siêu sâu tại Tứ Xuyên được điều hành bởi PetroChina Southwest Oil & Gasfield - một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Việc khoan siêu sâu này “có ý nghĩa to lớn”, nhằm khám phá các nguồn tài nguyên bị chôn vùi sâu trong khi “thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cốt lõi và năng lực thiết bị của ngành kỹ thuật dầu khí của Trung Quốc”, Xinhua đưa tin.
Về dự án khoan siêu sâu ở Tân Cương, Xinhua gọi nó là “kính thiên văn” đi vào nơi sâu nhất của Trái đất, với thiết kế nặng 2.000 tấn có nhiệm vụ xuyên qua hơn 10 địa tầng.