Khi căng thẳng địa chính trị leo thang và năng lực hải quân của Trung Quốc tiếp tục phát triển, Hải quân Mỹ đã nhận ra những thách thức ngày càng tăng đối với sự thống trị trên biển của mình. Trong lịch sử, Mỹ đã duy trì được lợi thế rõ ràng, nhưng lợi thế đó hiện đang bị thách thức, không chỉ bởi Trung Quốc mà còn bởi các đối thủ đang nổi lên khác, cả về quy mô hạm đội và sự tinh vi về công nghệ.
Một trong những sự chênh lệch rõ ràng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là về năng lực đóng tàu. Trong nhiều năm, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo về khoảng cách ngày càng lớn này. Các xưởng đóng tàu của Trung Quốc hiện vượt qua Mỹ, trong khi đó, các xưởng đóng tàu của Mỹ đang phải vật lộn để theo kịp và đây chính là mối đe dọa thực sự.
Sức mạnh đóng tàu của Trung Quốc không chỉ là về số lượng mà còn về tốc độ và sự đổi mới. Trong khi Mỹ tự hào về công nghệ hải quân tiên tiến, thì Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách đó, sản xuất không chỉ nhiều tàu hơn mà còn ngày càng tinh vi hơn.
Cảnh báo từ các chuyên gia
Cựu Đại úy Hải quân Mỹ Jerry Hendrix đã lên tiếng về một vấn đề cấp bách khác: tốc độ sản xuất tàu ngầm của Mỹ đang chậm lại. Hendrix nhận xét rằng "Sản lượng tàu ngầm đã giảm từ hai chiếc mỗi năm xuống chỉ còn hơn một chiếc", đồng thời nhấn mạnh rằng điều này xảy ra vào thời điểm sản lượng đáng lẽ phải tăng tốc. Kế hoạch đóng tàu 30 năm của Hải quân Mỹ yêu cầu ba tàu ngầm tấn công nhanh và một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mỗi năm, một tốc độ còn lâu mới đạt được.
Tàu ngầm là một trong những tài sản chiến lược nhất của hải quân. Việc tụt hậu trong sản xuất tàu ngầm có thể khiến Mỹ dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt là ở các khu vực tranh chấp.
Việc đáng lo ngại hơn là việc thiếu các ụ tàu khô đủ để duy trì đội tàu ngầm hiện tại. Theo Hendrix, cả mười ụ tàu khô tại các xưởng đóng tàu hải quân và ba ụ tàu tại các cơ sở thương mại đều đang hoạt động hết công suất. Nút thắt này đang gây ra sự chậm trễ trong công tác bảo dưỡng, làm trầm trọng thêm vấn đề. Kết quả là, tàu ngầm phải mất nhiều thời gian chờ sửa chữa hơn.
Sự chậm trễ trong bảo trì là rủi ro an ninh quốc gia. Một tàu ngầm không hoạt động là một tàu ngầm không được chuẩn bị để ứng phó với khủng hoảng hoặc tham gia vào các nhiệm vụ răn đe. Áp lực lên hệ thống đang đạt đến điểm giới hạn và nếu không có khoản đầu tư ngay lập tức để mở rộng năng lực bảo trì, khả năng sẵn sàng của Hải quân Mỹ có thể bị tổn hại nghiêm trọng.
Các nhà lập pháp, quan chức quốc phòng và nhà phân tích quân sự khác của Mỹ cũng đã bày tỏ mối lo ngại tương tự về tình trạng năng lực tàu ngầm của Mỹ. Nhiều người đang kêu gọi một cách tiếp cận tích cực hơn để cải cách quy trình đóng tàu để đảm bảo rằng tình trạng vượt ngân sách và chậm trễ không tiếp tục cản trở các chương trình quốc phòng quan trọng.
Thách thức trong tương lai
Trong khi Mỹ đang vật lộn để giải quyết những thách thức này, các đối thủ cạnh tranh của họ đang có những bước tiến đáng kể. Cả Trung Quốc và Nga đều đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của họ, đầu tư mạnh vào các tàu chiến thế hệ tiếp theo có thể thay đổi cán cân quyền lực trong những thập kỷ tới. Đối với Trung Quốc, đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm thể hiện sức mạnh vượt ra ngoài khu vực.
Nga, mặc dù phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn hơn, nhưng vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển tàu ngầm như một lĩnh vực quân sự quan trọng. Tàu ngầm là một trong số ít lĩnh vực mà Nga vẫn giữ được vị thế dẫn đầu toàn cầu và việc Moskva đầu tư vào các công nghệ tàu ngầm tiên tiến, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của những con tàu này trong các cuộc xung đột trong tương lai. Ngay cả khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, Nga hiểu rằng tàu ngầm sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa các cường quốc.
Nếu không có hành động khẩn cấp để giải quyết những vấn đề này, Mỹ có nguy cơ không chuẩn bị kịp cho những thách thức sắp tới, đặc biệt là ở các khu vực như Biển Đông và Bắc Cực, nơi quyền kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng có thể quyết định cán cân quyền lực trong tương lai.
Để giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng này, Hải quân Mỹ sẽ cần nhiều hơn là chỉ tăng cường năng lực đóng tàu, mà còn cần phải thay đổi toàn diện chiến lược hải quân của mình. Một lĩnh vực đáng được quan tâm hơn là các phương tiện ngầm không người lái (UUV). Các hệ thống tiên tiến này có thể bổ sung cho hạm đội tàu ngầm hiện có, cung cấp thêm khả năng giám sát và chiến đấu.
Ngoài ra, quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các quốc gia đồng minh, chẳng hạn như Australia, Nhật Bản và các thành viên NATO có thể giúp phân bổ gánh nặng duy trì sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở các khu vực quan trọng. Các chương trình phát triển tàu ngầm chung, các cải tiến công nghệ chung và các cuộc tuần tra phối hợp sẽ là cần thiết, đảm bảo rằng Mỹ và các đồng minh có thể cùng nhau chống lại các mối đe dọa hải quân đang gia tăng.
Quang Hưng