Đường trục truyền dữ liệu Internet nhanh nhất thế giới này nằm trong dự án cơ sở hạ tầng công nghệ Internet tương lai, gọi tắt là FITI (Future Internet Technology Infrastructure) của Trung Quốc, do Đại học Thanh Hoa, China Mobile, Công ty công nghệ Huawei (Huawei Technologies) và Công ty Cernet (Cernet Corporation) thực hiện. Cuộc họp báo giới thiệu về đường truyền này đã được Đại học Thanh Hoa tổ chức ngày 13/11.
Đây cũng là đường trục truyền dữ liệu Internet thế hệ tiếp theo đầu tiên trên thế giới, có chiều dài hơn 3.000 km, kết nối việc truyền dữ liệu giữa Bắc Kinh ở phía Bắc, Vũ Hán ở miền Trung và Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc. Theo thông tin tại cuộc họp báo, với tốc độ 1,2T (1,2 terabit/giây), đường trục này có khả năng truyền dữ liệu tương đương 150 bộ phim độ phân giải cao chỉ trong 1 giây, hiệu suất truyền tải gấp hơn 10 lần so với mạng 100G (100 gigabit/giây) hiện tại.
Cuộc họp báo giới thiệu về đường truyền Internet nhanh nhất thế giới của Đại học Thanh Hoa ngày 13/11. Ảnh: Tân Hoa xã
Được biết, công nghệ đường trục Internet 400G (gigabit/giây) mới bắt đầu được thương mại hóa trên toàn cầu và đường trục tốc độ cực cao cấp độ T (1 terabit/giây) được dự đoán là sẽ chỉ xuất hiện vào khoảng năm 2025. Như vậy, việc Trung Quốc khai thông đường trục Internet tốc độ 1,2T đã sớm hơn dự đoán 2 năm và được truyền thông nước này đánh giá là cột mốc quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu.
Hiện nay, hầu hết đường trục Internet trên thế giới đều hoạt động ở tốc độ 100G. Ngay cả Mỹ cũng chỉ mới hoàn thành quá trình chuyển đổi sang Internet2 thế hệ thứ năm với tốc độ 400G.
Đường trục tốc độ cực cao này đã được Trung Quốc kích hoạt từ tháng 7 và chính thức ra mắt hôm 13/11, sau khi vượt qua các bài kiểm tra vận hành.
Dự án FITI là cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ quan trọng trong việc vượt qua các giới hạn khoa học và giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia của Trung Quốc.