Con tàu hạ cánh lúc 14h07 phút chiều 25/6, kết thúc hành trình kéo dài 53 ngày trong một sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng được đánh giá là phức tạp nhất bằng robot của Trung Quốc cho đến nay.
Quá trình quay về và hạ cánh bắt đầu vào khoảng 1h22 chiều. Sau hai lần đi vào khí quyển Trái Đất, con tàu đã mở dù, hoàn thành lần giảm tốc cuối cùng khi cách mặt đất khoảng 10 km và hạ cánh chính xác xuống bãi đáp.
Ngay sau khi con tàu hạ cánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng. Ông khẳng định, sứ mệnh Hằng Nga-6 đã đem về các mẫu vật từ vùng tối Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Đây “là thành quả mang tính bước ngoặt tiếp theo trong tiến trình xây dựng cường quốc không gian và cường quốc khoa học công nghệ” của Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh, sau 20 năm, nước này đã “đạt được những thành tựu to lớn thu hút sự chú ý của toàn thế giới và tìm ra con đường thám hiểm Mặt Trăng chất lượng cao và hiệu quả cao”.
Ông mong muốn Trung Quốc tiếp tục thực hiện các chương trình vũ trụ lớn khác như thám hiểm không gian sâu, tăng cường trao đổi và hợp tác quốc tế, “dũng cảm tiến tới mục tiêu trở thành cường quốc không gian”, đồng thời có những đóng góp mới vào việc khám phá bí ẩn của vũ trụ và đem lại lợi ích cho nhân loại.
Tàu thăm dò Hằng Nga-6 được phóng lên không gian vào ngày 3/5 và làm việc trên Mặt Trăng 49 tiếng. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành các công đoạn xử lý trên mặt đất, tàu trở về sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Bắc Kinh để lấy các mẫu vật ra. Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc sẽ tổ chức lễ bàn giao các mẫu vật này vào một thời điểm thích hợp, trước khi chúng được đem đi cất giữ, phân tích và nghiên cứu.
Đây là cuộc đổ bộ thứ hai của một tàu vũ trụ đến vùng tối của Mặt Trăng. Khu vực rộng lớn này chưa từng được tàu vũ trụ nào chạm tới cho đến tháng 1/2019, tàu thăm dò Hằng Nga-4 của Trung Quốc hạ cánh xuống lưu vực Cực Nam-Aitken. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các mẫu vật ở khu vực này được mang trở về Trái Đất.
Trước sứ mệnh này, tất cả các vật chất thu thập được trên Mặt Trăng đều ở vùng sáng, hay phía gần của Mặt Trăng, thông qua 6 cuộc đổ bộ có người lái của tàu Apollo (Mỹ), 3 sứ mệnh tàu vũ trụ Luna của Liên Xô cũ và sứ mệnh không người lái Hằng Nga-5 của Trung Quốc.
Theo các nhà khoa học, cảnh quan và đặc điểm vật lý của vùng tối hay phía xa Mặt Trăng, vốn luôn quay lại Trái Đất, rất khác so với phía gần, nơi có thể nhìn thấy được từ Trái Đất. Các mẫu vật mang về từ vùng tối có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu trên toàn cầu những chìa khóa hữu ích để trả lời các câu hỏi về Mặt Trăng.
Trước đó, sứ mệnh Hằng Nga-5 thực hiện vào mùa Đông năm 2020 đã thu thập được 1.731 gram mẫu, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Liên Xô cũ, thu thập được các mẫu vật Mặt Trăng.