Thủ đô hành chính mới của Ai Cập được BRI tài trợ một phần. Ảnh: EPA
AidData, phòng nghiên cứu phát triển quốc tế thuộc Trường ĐH William & Mary ở bang Virginia - Mỹ, đã phân tích 13.427 dự án phát triển của Trung Quốc trị giá tổng cộng 843 tỉ USD tại 165 quốc gia trong khoảng thời gian 18 năm tính đến cuối năm 2017.
Trung Quốc đã rót số tiền kỷ lục cho các nước đang phát triển trong hai thập kỷ qua, hỗ trợ cho cả các dự án lĩnh vực công và tư nhân. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là sáng kiến chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình được khởi xướng vào năm 2013, đầu tư tại gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế. BRI giúp đưa Trung Quốc lên vị trí thống trị toàn cầu trong lĩnh vực tài chính phát triển quốc tế.
Theo đài CNBC, Mỹ đang có kế hoạch phát triển sáng kiến tương tự ở Nam Mỹ và liên minh châu Âu (EU) đã thông báo hồi tháng 9 rằng khối này đang khởi động chương trình "Cổng toàn cầu" trên toàn thế giới. Mỹ và EU đều đang tìm cách thách thức ảnh hưởng địa chính trị và tài chính to lớn của Trung Quốc tại các nước đang phát triển.
Theo báo cáo của AidData, Trung Quốc hiện chi cho lĩnh vực tài chính phát triển quốc tế nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ và các cường quốc kinh tế lớn khác, ước tính khoảng 85 tỉ USD mỗi năm.
Báo cáo cho thấy các khoản nợ thường không được liệt kê trong cân đối thu chi chính thức của các chính phủ và không được thông báo cho các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB). Khoảng 42 quốc gia thu nhập từ trung bình thấp trở xuống đang nợ Trung Quốc hơn mức 10% GDP, trong đó có Papua New Guinea, Maldives...
Các khoản cho vay của Trung Quốc ban đầu được thực hiện dưới dạng thỏa thuận giữa các chính phủ. Tuy nhiên, hiện có 70% khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc chuyển hướng sang các tập đoàn, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, các công ty liên doanh hoặc các tổ chức tư nhân của nước tham gia BRI. Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận việc đẩy các quốc gia đang phát triển vào cái gọi là bẫy nợ thông qua BRI.
Báo cáo cho biết các khoản nợ này được báo cáo thiếu một cách có hệ thống vì trong nhiều trường hợp, các tổ chức chính phủ trung ương ở các các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không phải là bên đi vay chính chịu trách nhiệm trả nợ. AidData cho rằng việc xử lý những khoản nợ tiềm ẩn này đang trở thành một thách thức to lớn đối với nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.