Trung Quốc: Hàng triệu lao động nhập cư bỏ phố về quê để... livestream bán hàng

Lục Lam |

Dân số già, chi phí sinh hoạt cao và những loại hình kinh doanh mới như livestream bán hàng đang góp phần làm đảo ngược làn sóng đổ xô đến các thành phố lớn ở Trung Quốc.

Sau nhiều năm nỗ lực kiếm tiền ở các thành phố lớn, người lao động nhập cư Trung Quốc lại đang trở về nhà. Dân số già, chi phí sinh hoạt cao và những loại hình kinh doanh mới như livestream bán hàng đang góp phần làm đảo ngược làn sóng đổ xô đến các thành phố lớn.

Những khu đô thị từng là trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Số liệu chính thức cho thấy, hàng triệu người Trung Quốc đã không quay trở lại các thành phố lớn để làm việc sau đại dịch Covid-19 năm ngoái. Tính đến cuối tháng 3, số lượng lao động nhập cư thấp hơn 2,46 triệu so với cùng kỳ năm 2019.

Dan Wang – nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China, cho biết: "Xu hướng di cư từ nông thôn đến thành thị đã chậm lại từ trước khi dịch bệnh bùng phát và con số bắt đầu giảm vào năm 2020."

Bà nói thêm: "Tình trạng di cư ngược sẽ tăng nhanh trong những năm tới, một phần do người lao động không đủ tiền mua nhà ở thành phố và không thể tiếp cận với dịch vụ y tế tại đây." Bà chỉ ra một yếu tố chính là tình trạng già hóa, tỷ lệ lao động nhập cư trên 50 tuổi đã tăng hơn gấp đôi trong 12 năm qua lên 26%.

Hiện tại, dữ liệu cho thấy, thay vì đi di chuyển đến các thành phố lớn nhất Trung Quốc như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, nhiều lao động nhập cư đang lựa chọn ở gần quê nhà hơn là trong cùng 1 tỉnh.

Một yếu tố khác thúc đẩy xu hướng này là chính sách của chính phủ. Khi nhà nước nới lỏng sự kiểm soát gắt gao với nền kinh tế trong vài thập kỷ qua, hàng chục triệu người Trung Quốc đã tìm kiếm việc làm tại những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến. Chính quyền địa phương đã xây dựng tàu điện ngầm và cơ sở hạ tầng đô thị khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều lao động nhập cư đã phải đối mặt với điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, họ phải làm công nhân trong các nhà máy hoặc gần đây là làm shipper cho các hãng thương mại điện tử lớn. Hệ thống cư trú nghiêm ngặt "hukou" đã khiến người lao động không thể tiếp cận dịch vụ y tế công cộng, trường học hoặc mua bất động sản tại thành phố nơi họ làm việc.

Tình trạng lao động nhập cư ồ ạt kéo đến thành phố lớn đã khiến nguồn tài nguyên địa phương cạn kiệt, chính quyền buộc phải đưa ra những quy định gắt gao. Những thành phố nhỏ hơn như Tây An đã nỗ lực thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao hoặc trình độ học vấn cao bằng cách đưa ra những ưu đãi như cấp hộ khẩu thường trú.

Các số liệu chính thức cho thấy, năm ngoái, số lượng người lao động trở về nông thôn vào năm ngoái đã cao hơn năm 2019 ở mức 1,6 triệu người. Họ bắt đầu kinh doanh hoặc sống nhờ trợ cấp. Một báo cáo khác cho biết, hơn 1 nửa số dự án kinh doanh tập trung vào việc livestream bán hàng.

Nhiều người sống bên ngoài các thành phố lớn đang làm việc trong "nền kinh tế số", bởi họ có thể làm việc từ xa. Qingtuanshe – nền tảng tìm kiếm việc làm trên Alipay, cho biết hồi năm ngoái rằng, số lượng bài đăng tuyển dụng MC để livestream và các công việc liên quan đã tăng đáng kể vào năm ngoái. Ngoài ra, số người làm những công việc này đến từ các thành phố cấp 3 và cấp 4 đã tăng lên.

Trong số hàng loạt các hoạt động kinh doanh nhỏ đã phát triển trong ngành, công ty PR Vyoung có trụ sở tại Bắc Kinh thông báo họ nhận được cuộc gọi từ 20 đến 30 người mỗi ngày từ các thành phố nhỏ để thảo luận về mối quan hệ đối tác giữa influencer với các thương hiệu thời trang lớn.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nền kinh tế số có thể đóng góp bao nhiêu vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Doanh số bán lẻ tăng chậm hơn dự kiến và doanh số bán hàng trực tuyến cũng đang bị đình trệ. Đây là mối lo ngại đối với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng cá nhân.

Đối với phần lớn người lao động trình độ học vấn thấp, việc chuyển đến các thành phố nhỏ hơn hoặc về quê có thể sẽ giúp họ giảm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, mức lương thấp hơn sẽ góp phần vào tình trạng bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc.

Tham khảo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại