Trung Quốc gia tăng áp lực lên Indonesia trên biển

Trung Hiếu |

Dự án khí đốt Biển Bắc Natura đe dọa làm cho quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia thêm trầm trọng hơn, công khai hơn. Trên biển, Indonesia đang đối mặt với áp lực ngày một gia tăng từ Trung Quốc.

Học viên học viện hải quân Indonesia. Ảnh: Antara.

Học viên học viện hải quân Indonesia. Ảnh: Antara.

Căng thẳng Trung Quốc-Indonesia trên nhiều khía cạnh

Indonesia sẽ đối đầu hơn nữa với Trung Quốc nếu một liên doanh Anh-Nga xúc tiến phát triển thăm dò khí tự nhiên và đặt đường ống dẫn khí qua ranh giới Biển Bắc Natuna.

Cụ thể, các đối tác Harbour Energy (của Anh) và Zarubezhneft (của Nga) đã công bố tìm thấy một nguồn khí gas có trữ lượng 16,99 tỷ mét khối, trong đó khoảng 45% là dưới dạng chất lỏng ngưng tụ.

Kết quả trên theo sau việc khoan 2 giếng thẩm lượng ở lô Tuna, cách ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là khoảng 10km. Việc khoan này diễn ra bất chấp các phản đối của Bắc Kinh. Bắc Kinh cho rằng khu vực này nằm trong “đường 9 đoạn” (phi lý, phi pháp) của Trung Quốc.

Với việc Ngoại trưởng Mỹ Blinken ở thăm Jakarta (Indonesia) vào tuần trước, diễn biến trên cho thấy quan ngại ngày càng gia tăng về điều mà ông Blinken gọi là “hành động hung hăng” của Trung Quốc ở vùng biển mà họ nhận vơ gần như toàn bộ là của mình.

Trong thời gian diễn ra hoạt động khoan (từ tháng 8 đến tháng 10/2021), một tàu khảo sát của Trung Quốc – được 2 tàu hải cảnh vũ trang của Trung Quốc hộ tống, đã tiến hành một diễn tập đo đạc lòng biển chuyên sâu quanh giàn khoan thăm dò.

Lúc ấy, phía Indonesia đã huy động 9 tàu thuộc hải quân và cơ quan an ninh hàng hải của nước này đến áp đảo các tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia vẫn giữ yên lặng về sự xâm nhập của tàu Trung Quốc trong 7 tuần liền, và cũng không thông báo liệu hai bên đã có tương tác ngoại giao nào chưa liên quan đến sự cố.

Nhưng một nguồn cao cấp bên chính quyền Indonesia cho hay, Bộ Ngoại giao Indonesia có gửi một công hàm phản đối lên Trung Quốc và tuyên bố rằng chính phủ Indonesia nghiêm túc trong việc ủng hộ phát triển lô trên ở độ sâu tương đối nông là 100m.

Trung Quốc ngày càng quyết liệt

Bây giờ Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng thiết lập hiện diện bên trong “đường 9 đoạn” ở cả vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền thì phía Indonesia sẽ càng phải theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc. Một nhà phân tích của hải quân Indonesia cho rằng họ sẽ tiếp tục chứng kiến “sự quấy rối” ở một mức độ nào đó.

Các chuyên gia dầu khí tin rằng hành động của Trung Quốc sẽ chỉ mang tính dọa nạt.

Một tư vấn viên giàu kinh nghiệm ở Jakarta nói rằng nguồn cung khí ở các mỏ trên sẽ cạn kiệt vào thời điểm 5 năm nữa, trừ phi các đối tác Anh-Nga nói trên tìm ra các trữ lượng khí mới ở khu vực này. Nhân vật này đánh giá, dự án này không phải là dài lâu.

Năm 2017, với sự đồng thuận của chính phủ Indonesia, hãng Harbour đã ký một bản ghi nhớ để bán khí tự nhiên cho một công ty thuộc một nước Đông Nam Á khác.

Để tránh việc vướng vào cạnh tranh giữa các nước lớn, Harbour đã quyết định bán 50% cổ phần trong liên doanh Tuna cho Zarubezhneft, vốn có quan hệ tốt với công ty Đông Nam Á nói trên.

Khả năng Harbour rút khỏi Indonesia hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả của một giếng thẩm lượng mới theo kế hoạch tại lô nước sâu Andaman II.

Trong khi đó, cái bóng của Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ lên Tuna và những nơi có trầm tích dầu khí bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (không được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển công nhận).

Tàu Trung Quốc cũng quấy nhiễu hoạt động thăm dò và khai thác của Petronas – công ty dầu quốc gia của Malaysia, ở cụm bãi cạn Luconia.

Indonesia cố thích ứng nhưng tình hình vẫn khó khăn

Trong khi Indonesia cố tránh chọn phe trong thế đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, hành động của Trung Quốc trong vài năm qua đã đẩy Indonesia tới chỗ nâng cao đáng kể hoạt động theo dõi của họ đối với vùng biên giới phía bắc, sử dụng công nghệ có sẵn và tăng cường tuần tra biển.

Hầu hết các tàu hải quân theo thói quen sẽ tắt hệ thống nhận diện tự động của mình (AIS) để khiến đối phương khó dò tìm ra họ nhưng theo lẽ thông thường, khi đi vào các vùng biển đông đúc, họ cần kích hoạt thiết bị đó. Riêng Trung Quốc thì phớt lờ điều này.

Trong năm 2021, Indonesia đã chặn một tàu khảo sát của Trung Quốc trước đó đã tắt một cách bí hiểm hệ thống hồi đáp của mình tới 3 lần trong hành trình 2 ngày đi qua biển Java và vào eo biển Sunda đông đúc chia tách Java và Sumatra.

Các tàu khảo sát khác của Trung Quốc bị nghi ngờ là đã thả 3 thiết bị không người lái đi ngầm dưới nước để thu thập dữ liệu – các thiết bị này bị phát hiện ở ngoài khơi quần đảo Natuna, Nam Sulawesi, và ở lối vào từ phía bắc của eo biển Lombok trong 2 năm qua.

Trong chuyến thăm Jakarta, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Washington sẽ nỗ lực bảo vệ “trật tự dựa trên pháp luật ”.

Dấu hiệu về quan hệ nồng ầm hơn giữa Bắc Kinh và Moscow thời gian qua đã khiến giới phân tích phân vân liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các tuyên bố chủ chủ quyền của họ đối với lô Tuna hay không trong trường hợp dự án ở đây hoàn toàn do hãng của Nga vận hành.

Chuyên gia hàng hải Evan Laksmana của Indonesia nhận định gần đây trên báo: “Trung Quốc hy vọng rằng các vụ xâm nhập đều đặn của họ của Biển Bắc Natuna cuối cùng sẽ khiến Indonesia chấp nhận “đàm phán” một thỏa thuận ngầm công nhận các tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc trong khu vực này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại