Trung Quốc nhắm tới việc làm thay đổi quỹ đạo của một thiên thạch có tiềm năng va chạm với Trái Đất. Dự án đang trong quá trình nghiên cứu sẽ thử nghiệm một thiết bị va chạm động lực đặc biệt, và là một phần nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ hành tinh.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu sẽ tìm cách vượt qua các trở ngại về mặt kỹ thuật, đồng thời phát triển hệ thống chống lại những mối đe dọa tới từ khoảng không gian gần Trái Đất. Đó là khẳng định của ông Wu Yanhua, giám đốc Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Hoa (CNSA), trước phóng viên của CCTV.
Cùng lúc đó, CNSA sẽ phát triển một hệ thống phát hiện sớm thiên thạch, đồng thời viết phần mềm giả lập mô phỏng vị trí Trái Đất so với các thiên thể có tiềm năng va chạm. CNSA cũng sẽ lập danh sách việc cơ bản phải làm khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.
Cuối cùng, dự án sẽ tiến hành quan sát những thiên thể có khả năng gây nguy hiểm tới sự sống trên Trái Đất, qua đó lên kế hoạch làm chệch hướng đường bay thiên thể nếu cần thiết.
Dự kiến, CNSA sẽ thực hiện sứ mệnh vũ trụ này vào thời điểm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Tức là năm 2026, chúng ta sẽ có thể thấy CNSA tiến hành chuyển hướng thiên thể không gian bằng thiết bị va chạm động lực.
Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Phòng thủ Hành tinh đầu tiên với những màn diễn thuyết và báo cáo khoa học về những vấn đề liên quan. Hội nghị nêu lên nhiều vấn đề của tương lai, như theo dõi và tác động vật lý tới thiên thạch, khám phá những thiên thể gần Trái Đất, hay phát triển những hệ thống cảnh báo từ sớm.
Hội nghị Phòng thủ Hành tinh lần thứ Nhất.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất lo xa. Tháng 11/2021, Mỹ thực hiện Bài thử Tái định hướng Song Tiểu hành tinh (DART), cho một tàu không gian va chạm với Dimorphos, một vệ tinh tự nhiên quay quanh thiên thạch Didymos. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ sớm thực hiện sứ mệnh Hera, đưa tàu thăm dò tới Didymos và Dimorphos để thu thập dữ liệu về cú va chạm của DART.