Theo tờ Wall Street Journal, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho một cuộc thảo luận với Trung Quốc về kiểm soát vũ khí hạt nhân nhằm giải quyết những lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc và Nga.
Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới, dưới sự dẫn dắt của quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Mallory Stewart và Sun Xiaobo - người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. (Ảnh: Defense News)
Cuộc đàm phán đánh dấu những cuộc thảo luận đầu tiên về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ với Trung Quốc kể từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama và nhằm mục đích giảm nguy cơ tính toán sai lầm.
Cuộc thảo luận này không báo hiệu các cuộc đàm phán chính thức về giới hạn lực lượng hạt nhân nhưng mang lại cơ hội hiểu biết về học thuyết hạt nhân của Trung Quốc và kho vũ khí hạt nhân đang phát triển của nước này.
Washington cũng đang nỗ lực lôi kéo Nga vào các cuộc đàm phán riêng về kiểm soát vũ khí sau khi hiệp ước New START hết hạn vào năm 2026.
Việc mở cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ với Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực cải thiện quan hệ trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng này.
Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc ngày càng được mở rộng, khiến nước này trở thành một nước có vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về hạt nhân.
Mỹ đặt mục tiêu dần dần lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc đối thoại và thảo luận về kiểm soát vũ khí về học thuyết, chính sách và sự ổn định hạt nhân.
Theo đánh giá thường niên của Lầu Năm Góc mới đây, Trung Quốc hiện đang sở hữu 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động trong kho vũ khí. Dự kiến đến năm 2030, con số này có thể tăng lên khoảng 1.000 đầu đạn.
Dù vậy, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và Nga. Cụ thể, Mỹ đang sở hữu khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân, trong đó khoảng 1.419 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã được triển khai. Còn Nga có khoảng 1.550 vũ khí hạt nhân được triển khai và theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, kho dự trữ của Nga hiện có tới 4.489 đầu đạn hạt nhân.