Một công ty giao dịch hàng hóa sắp trở thành doanh nghiệp nhà nước cao cấp nhất của Trung Quốc vỡ nợ trên thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng USD trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây.
Sự việc được coi là dấu hiệu mới cho thấy Bắc Kinh đang trở nên sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận những thất bại của nhóm các doanh nghiệp nhà nước (SOE) vốn rất nhạy cảm về mặt chính trị. Tewoo Group cũng đưa ra một kế hoạch tái cấu trúc nợ chưa từng có tiền lệ, mà trong đó các nhà đầu tư sẽ lỗ lớn hoặc chấp nhận chuyển đổi sang những trái phiếu mới có mức lợi suất thấp hơn nhiều lần.
Có trụ sở tại Thiên Tân, Tewoo thuộc sở hữu của chính quyền địa phương và hoạt động trong một số ngành bao gồm cơ sở hạ tầng, logistics, khai khoáng, ô tô và cảng biển. Tập đoàn này cũng hoạt động ở nhiều thị trường nước ngoài như Mỹ, Đức, Nhật Bản và Singapore.
Công ty xếp thứ 132 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu của tạp chí Fortune năm 2018, cao hơn nhiều so với một số tập đoàn khác như tập đoàn viễn thông China Telecommunications hay ông trùm tài chính Citic Group. Năm 2017, Tewoo đạt doanh thu 66,6 tỷ USD, lợi nhuận vào khoảng 122 triệu USD, tài sản trị giá 38,3 tỷ USD và có hơn 17.000 nhân viên.
Vậy thì điều gì đã xảy ra?
Những khó khăn về tài chính của Tewoo bắt đầu lộ diện từ tháng 4, khi công ty tìm cách thuyết phục các ngân hàng cho gia hạn nợ và phải bán đồng dưới giá thị trường do khan hiếm tiền mặt. Cũng trong tháng đó, Fitch Ratings hạ 6 bậc xếp hạng tín nhiệm của công ty, với lý do là thanh khoản yếu và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn dự báo.
Cuối tuần trước, Tewoo đề xuất cho nhà đầu tư 2 phương án lựa chọn: lỗ tới 64% hoặc chấp nhận thanh toán chậm với tỷ lệ chiết khấu lớn đối với số trái phiếu niêm yết bằng USD trị giá 1,25 tỷ USD. Các trái chủ chỉ có hơn 2 tuần để quyết định.
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp nhà nước đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ như vậy. Nhiều khả năng Tewoo sẽ vỡ nợ trên số trái phiếu niêm yết bằng USD trị giá 300 triệu USD đáo hạn vào ngày 16/12 tới.
Trước đó công ty đã thông báo sẽ không thể trả lãi cho 500 triệu USD trái phiếu, buộc Ngân hàng công thương Trung Quốc phải chuyển 7,875 triệu USD cho các trái chủ do đã phát hành bảo lãnh tín dụng cho số trái phiếu này. Tuy nhiên số 1,6 tỷ USD còn lại không có được sự bảo hộ như vậy.
Các công ty con của Tewoo đã không thể trả một số khoản nợ địa phương đúng hạn. Tianjin Hopetone không thể trả lãi cho số trái phiếu trị giá 1,21 tỷ nhân dân tệ đáo hạn hồi tháng 7, trong khi Tianjin Haoying thất hứa hồi tháng 6.
Vụ này có ý nghĩa như thế nào?
Việc để cho Tewoo phá sản cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng cứng rắn hơn trong chuyện giải cứu các SOE ốm yếu, chưa nói đến các doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa có quý tăng trưởng thấp nhất trong 3 thập kỷ.
Ngoài ra còn là lo ngại về Thiên Tân, sau khi một loạt SOE của địa phương này bị hạ xếp hạng tín nhiệm và gặp rắc rối về tài chính. Thiên Tân cũng là nơi có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất ở Trung Quốc.
Các nhà đầu tư dự đoán mức nợ cao sẽ hạn chế khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp của chính quyền Thiên Tân, do đó nhiều khả năng sẽ phải để cho họ vỡ nợ. Trong bối cảnh đó, tập đoàn đầu tư và xây dựng Tianjn Binhai New Area đã hoãn kế hoạch bán trái phiếu đôla hồi tháng 7.
Mặc dù năm nay số vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc đang trên đà lập kỷ lục mới, cho đến nay có khá ít vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài.