Một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc bày bán đa dạng các sản phẩm sữa bò. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), trong khi các công ty sữa trên khắp đất nước đang gấp rút xây dựng các trang trại mới, làm thế nào giải quyết “cơn khát” sữa ở Trung Quốc vẫn được coi là một vấn đề nan giải. Việc bổ sung thêm hàng triệu con bò sữa cần thiết cho các trang trại được xây mới và mở rộng theo kế hoạch sẽ là thách thức lớn.
Một nhân viên đặt các hộp sữa lên kệ tủ lạnh tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/5/2021. Ảnh: Reuters
Trung Quốc là nhà sản xuất sữa lớn thứ 3 thế giới, nhưng sản lượng 34 triệu tấn của năm ngoái chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Vấn đề phức tạp là chi phí thức chăn nuôi bò luôn ở mức cao trong nhiều năm, trong khi nguồn cung đất và nước cũng thiếu hụt trầm trọng. Tất cả những yếu tố này đang khiến Trung Quốc trở thành một địa điểm sản xuất sữa vô cùng đắt đỏ.
Được thúc đẩy bởi giá sữa tươi và trợ cấp của chính phủ, hơn 200 dự án trang trại bò sữa mới của Trung Quốc đã được công bố vào năm ngoái, theo công ty tư vấn Beijing Orient Dairy.
Phân tích của công ty cho thấy 60% các dự án mới đặt mục tiêu vào hơn 10.000 con bò. Tổng dự án kêu gọi bổ sung khoảng 2,5 triệu con bò trong những năm tới, bằng một nửa lượng bò sữa hiện tại của Trung Quốc.
Một khách hàng chọn sữa tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia nhận định thị trường sữa của Trung Quốc, trị giá khoảng 62 tỉ USD doanh thu hàng năm, đang trong giai đoạn chín muồi để phát triển. Chính phủ đã quảng bá mạnh mẽ các lợi ích của sữa để thúc đẩy tiêu thụ, hỗ trợ ngành công nghiệp sữa nông thôn. Mặc dù vậy, lượng tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm tại nước này vẫn chỉ ở mức 6,8 lít, trong khi ở Mỹ là 50 lít, theo Euromonitor International.
“Mức tiêu thụ bình quân trên đầu người vẫn còn rất thấp. Song, tiềm năng là rất lớn” bà Gao Lina, Giám đốc điều hành của China Modern Dairy, nói.
Bà cho biết người Trung Quốc, đặc biệt là trẻ em, đã bắt đầu ăn nhiều pho mát hơn, điều này sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ sữa hơn nữa. Một kg pho mát thường cần 10 kg sữa để chế biến.
Các loại sữa được bày trên kệ tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tại Trung Quốc, sữa cũng được coi là đủ đặc biệt để trở thành một món quà phổ biến. Sữa tươi ở nước này có giá khoảng 2 USD/lít, gần gấp đôi giá ở Anh và Mỹ. Trong khi đó, các hộp sữa tiệt trùng 240 ml phổ biến hơn có giá khoảng 40 xu.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, nhu cầu sữa tươi ướp lạnh, chỉ chiếm 1/5 doanh số bán sữa ở Trung Quốc, đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, tăng 21% trong 11 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, sữa ở nhiệt độ phòng chỉ tăng 10,9%.
Các nhà phân tích cho rằng để đáp ứng nhu cầu này, các công ty lớn cần phát triển nhiều nguồn sữa tươi hơn ở gần các khu vực dân cư giàu có hơn.
Nhiều công ty đã vạch ra kế hoạch lớn, bao gồm Modern Dairy, muốn tăng gấp đôi số lượng bò trong vòng 5 năm tới lên 500.000 con. Họ dự định sẽ mua lại các công ty nông nghiệp nhỏ hơn và xây dựng thêm các trang trại mới.
Công ty chế biến Bright Dairy and Food có trụ sở tại Thượng Hải đặt mục tiêu xây dựng thêm 4 trang trại để bổ sung thêm 31.000 con bò vào đàn bò 66.000 con của mình. Hãng sữa Youran của Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch huy động vốn lên tới 800 triệu USD để tăng số lượng bò giống nhằm tăng sản lượng sữa.
Theo Beijing Orient Dairy, các trang trại đang được xây dựng của Trung Quốc cần tổng cộng 1,35 triệu con bò, nhưng một số trong số đó sẽ phải bỏ trống.
Các chuyên gia ước tính rằng trong 2 năm tới, bò nội địa của Trung Quốc sẽ sinh sản ra khoảng 500.000 con bê, trong khi nhập khẩu có thể đạt khoảng 400.000 con, nếu tốc độ nhập khẩu vẫn tương tự năm ngoái. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 200.000 con, chủ yếu từ Australia và New Zealand.
Nhập khẩu là cách nhanh nhất để phát triển một trang trại mới, rút ngắn khoảng một năm so với thời gian bò sinh sản trong nước. Nhập khẩu cũng được ưu tiên hơn vì gia súc nhập khẩu không có nhiều bệnh lưu hành.
Tuy nhiên, triển vọng nhập khẩu đã dập tắt khi tháng 4 vừa qua, New Zealand quyết định tạm dừng xuất khẩu gia súc sống trong vòng 2 năm, do lo ngại về phúc lợi của vật nuôi trên tàu trong thời gian dài.
Chile và Uruguay cũng xuất khẩu với khối lượng nhỏ. Đồng thời, thời gian vận chuyển dài gấp đôi và các giống bò này cũng tạo ra ít sữa hơn, khiến chúng trở thành lựa chọn kém hấp dẫn hơn.
Ông Dou Ming, nhà kinh tế trưởng của Beijing Orient Dairy, cho biết Brazil, Mỹ và các nước châu Âu có thể trở thành nguồn cung gia súc tốt cho người chăn nuôi.
"Nếu chúng tôi chỉ thêm 2 quốc gia nhập khẩu nữa, chúng tôi sẽ có đủ bò để sản xuất sữa", ông nói.
Trung Quốc và Mỹ đã cam kết đàm phán về nhập khẩu gia súc giống trong vòng một tháng kể từ khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1/2020. Nhưng vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán đã bắt đầu hay chưa.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Một nhân viên xếp các hộp sữa trên kệ tủ lạnh tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các nhà phân tích và các nguồn tin trong ngành cho biết chi phí thức ăn nuôi bò giống cũng là một trở ngại. Những con bê nhập khẩu phải mất nhiều thời gian trước khi chúng trở thành những con bò cái có thể lấy sữa.
Grant Beadles, Quản lý thị trường Trung Quốc tại Land O Lakes, công ty cung cấp thức ăn gia súc, cho biết giá ngô đang ở mức kỷ lục, trong khi cỏ khô, cỏ tươi cũng trở nên đắt đỏ hơn do cạnh tranh với diện tích đất trồng ngô.