Trung Quốc đòi hỏi sự cân bằng trong thỏa thuận thương mại với Mỹ

PV |

Bình luận của Tân Hoa Xã cho rằng, tiền đề để giải quyết các bất đồng giữa hai bên là tôn trọng những quan ngại cốt lõi của nhau.

Ngay sau khi Trung Quốc và Mỹ không đạt được thỏa thuận tại vòng đàm phán kinh tế thương mại thứ 11, Tân Hoa Xã và hàng loạt các tờ báo lớn của Trung Quốc đã đăng tải các bài bình luận, khẳng định Bắc Kinh quyết không thỏa hiệp và đòi hỏi sự cân bằng trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Bình luận của Tân Hoa Xã cho rằng, tiền đề để giải quyết các bất đồng giữa hai bên là tôn trọng những quan ngại cốt lõi của nhau. Bài viết cho biết, hai bên đã đạt được tiến triển thực chất trong các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường, cân bằng cán cân thương mại, nhưng vẫn tồn tại bất đồng trong các vấn đề liên quan đến quan ngại cốt lõi của Trung Quốc.

Bài bình luận khẳng định, tôn trọng lợi ích cốt lõi và quan ngại lớn của nhau là "giới hạn đỏ" không thể vượt qua để thúc đẩy đàm phán diễn ra thuận lợi.

Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đăng bài bình luận khẳng định, Trung Quốc luôn thúc đẩy đàm phán thương mại Trung Mỹ với thái độ đầy trách nhiệm và thành ý cao nhất, nhưng sẽ không khuất phục trước những áp lực lên đến cực điểm từ phía Mỹ và cũng không thỏa hiệp trong các vấn đề mang tính nguyên tắc.

Trung Quốc yêu cầu xóa bỏ tất cả thuế quan tăng thêm, các số liệu mua sắm thương mại phải phù hợp với thực tế, văn bản thỏa thuận phải đảm bảo tính cân bằng, cách biểu đạt phải được người dân Trung Quốc chấp nhận, không gây tổn hại đến chủ quyền và tự tôn quốc gia của nước này.

Bình luận của Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) cho rằng, việc Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc là không công bằng, viện cớ bất đồng và thay đổi để tăng thuế là phản ứng quá mức, cố ý gây trở ngại cho quá trình đàm phán. Bài viết nhấn mạnh, phía Mỹ chỉ đề cập đến việc Trung Quốc phải thỏa mãn những điều kiện của Mỹ đưa ra, trong khi không hề nói đến những quan ngại cần được đáp ứng của Trung Quốc.

Điều này đi ngược lại với nguyên tắc đàm phàn tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng cùng có lợi. Đây chính là nguyên nhân quan trọng gây nên việc vòng đàm phán lần này không đạt được tiến triển.

Một bình luận khác trên tài khoản wechat "Taoran notes" của tờ Nhật báo kinh tế Trung Quốc thì cho rằng, nước này cần thích ứng với việc "vừa đánh vừa đàm" trong quan hệ với Mỹ. Theo bài viết, dù hai nước có đạt được thỏa thuận hay không thì giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn luôn tồn tại nhiều bất đồng và các ý kiến trái chiều.

Trước những ý kiến cho rằng, những bất đồng này sẽ dẫn đến những va chạm và mâu thuẫn trên phạm vi rộng lớn hơn, bài viết nhận định, Trung Quốc sẽ tìm ra một cách ứng xử phù hợp vừa có thể kiểm soát bất đồng, vừa có được mẫu số chung lớn nhất để cùng đáp ứng được những lợi ích của cả hai bên.

Trước đó, bài bình luận có tên "Trung Quốc không thích chiến tranh thương mại, nhưng chúng tôi có thể chống chọi" của Thời báo Hoàn cầu thừa nhận, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu những tác động nhất định khi khả năng xấu nhất là Mỹ đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xảy ra.

Tuy nhiên, bài viết trấn an dư luận bằng việc dẫn phân tích của các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đánh thuế 25% lên toàn bộ gần 600 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc là điều không thể thực hiện được trên thực tế, bởi không hẳn là tất cả các mặt hàng bị đánh thuế đều không thể xuất sang Mỹ. Nhận định cho rằng 1/2 trong số đó không thể vào thị trường Mỹ đã là một dự báo rất cao.

Lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chiếm 16% tổng lượng xuất khẩu ra toàn cầu của Trung Quốc, trong 8% không thể xuất khẩu sang Mỹ, chỉ có 4% thực sự chịu ảnh hưởng, khi chuyển hóa thành Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tác động chỉ ở mức dưới 1%.

Việc đánh thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc cũng không thể kéo dài quá 1 năm, bởi lượng hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc chiếm tới hơn 1/5 tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Việc làm này sẽ tác động lớn đến sự vận hành của nền kinh tế Mỹ, lên người nông dân Mỹ, các hãng ô tô và máy móc thiết bị Mỹ, thương mại dịch vụ và ngành năng lượng Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn.

Bài viết cho rằng, nếu chiến tranh thương mại Trung Mỹ tiếp tục kéo dài sang năm 2020, thời điểm diễn ra bầu cử Mỹ, nước Mỹ sẽ không có được bất cứ lợi ích gì, thị trường tài chính sẽ bất ổn nghiêm trọng. Đó sẽ là một trò cười chính trị lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Việc đem chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc ra để tranh cử là rủi ro chính trị cực lớn của Đảng Cộng hòa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại