"Nếu Mỹ kiên quyết đi theo đường lối của mình, Trung Quốc sẽ thực hiện các bước đi cứng rắn và mạnh mẽ để bảo vệ vững chắc lợi ích an ninh và phát triển" , người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết trong bài phát biểu hôm 29/4 (giờ địa phương).
Theo đó, ông Lin Jian kêu gọi Mỹ không thực hiện những phần "tiêu cực, liên quan tới Trung Quốc" được đề cập trong dự luật mới thông qua hồi tuần trước.
Cụ thể, hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành dự luật viện trợ nước ngoài mới trị giá 95 tỷ USD. Trong đó, 60,84 tỷ USD sẽ được phân bổ cho Ukraine; 26 tỷ USD cho Israel và 9,1 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm bán đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Đồng thời, ông Biden cũng ký một dự luật liên quan, trong đó để mở khả năng cấm TikTok ở Mỹ nếu công ty ByteDance - chủ sở hữu của TikTok - không thoái vốn trong vòng 9 tháng đến một năm tới.
TikTok đang bị chú ý ở các nước phương Tây, do lo ngại nguy cơ dữ liệu người dùng rơi vào tay Trung Quốc. Các cơ quan an ninh Đức từng cảnh báo người dân không dùng TikTok, trong khi ứng dụng bị cấm trên thiết bị của nhân viên nhà nước ở nhiều quốc gia.
Nền tảng video ngắn khẳng định các cảnh báo này không có cơ sở, nhấn mạnh họ không thu thập dữ liệu nhiều hơn những ứng dụng khác.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hồi năm 2020 nhất trí khuyến nghị ByteDance thoái vốn TikTok vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị thu thập trái phép để chuyển cho chính phủ Trung Quốc. TikTok và CFIUS đã đàm phán hơn hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực đảm bảo an ninh dữ liệu và bác bỏ cáo buộc do thám.
Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng từng lên tiếng chỉ trích đề xuất cấm cửa TikTok tại Mỹ là "hành vi bắt nạt", xuất phát từ một bên không thấy cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh sòng phẳng.