Philippines tố Trung Quốc điều tàu xâm phạm EEZ: "Quái vật" lớn gấp 3 lần tàu tuần tra Mỹ

Minh Khôi |

Với lượng giãn nước 12.000 tấn và có chiều dài 541 feet, CCG-5901 lớn gấp 3 lần các tàu tuần tra chính của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Nhiều nhà quan sát gọi nó là "quái vật".

Tàu tuần duyên 5901 của Trung Quốc được chụp lại hôm 5/7 vừa qua

Tàu tuần duyên 5901 của Trung Quốc được chụp lại hôm 5/7 vừa qua

Cảnh sát biển Philippines hôm 6/7 phát đi thông tin kèm các hình ảnh cáo buộc Trung Quốc thả neo một trong 2 tàu tuần duyên kích thước lớn, hay còn được gọi là "quái vật" bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vào tuần trước. Quan chức Philippines gọi hành động này có tính chất "đe dọa".

Chiếc tàu bị cáo buộc trong vụ việc là CCG-5901 thuộc Hải cảnh Trung Quốc, có kích thước lớn gấp 5 lần tàu BRP Teresa Magbanua của Philippines.

Tuy nhiên, giới chức Philippines khẳng định nước này sẽ không lùi bước. "Chúng tôi sẽ không rút lui và không để bị đe dọa", Người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela nói thêm.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hồi đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố các tàu của Trung Quốc đã tuần tra và thực thi luật pháp phù hợp với luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế.

Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đã ra phán quyết kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để áp đặt yêu sách về cái gọi là "quyền lịch sử" đối với phần lớn điện tích Biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết này và ngày càng thúc đẩy các yêu sách trên biển. Thời gian gần đây, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra giữa tàu Trung Quốc và Philippines.

Hồi tháng 6, một cuộc đụng độ gần Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã diễn ra, trong đó, các sĩ quan lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã tấn công tàu Philippines và khiến một số thủy thủ bị thương.

Theo Ray Powell, chuyên gia về Biển Đông và giám đốc SeaLight tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot, Đại học Stanford, tàu CCG-5901 không liên quan đến vụ việc đó nhưng đã hiện diện ở các khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines kể từ đó.

Ngay sau cuộc đối đầu kịch tính ở Bãi Cỏ Mây, "tàu quái vật" này đã đi đến gần như mọi tiền đồn và khu vực quan trọng của Philippines ở Biển Đông, ông Powell nói.

Powell và các nhà phân tích khác cho rằng đe dọa là một trong những nhiệm vụ chính của CCG-5901. Tàu tuần duyên này lớn hơn bất kỳ tàu tuần duyên thông thường nào trên thế giới (trừ tàu phá băng đặc biệt của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ) và thậm chí còn lớn hơn cả các tàu khu trục của Hải quân Mỹ.

Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke có lượng giãn nước từ 9.700 tấn trở xuống và ngắn hơn CCG-5901 khoảng 35 feet. Tàu National Security Cutters của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ có lượng giãn nước 4.500 tấn, bằng 1/3 kích thước của CCG-5901.

Khi so sánh về hỏa lực, CCG-5901 cũng vượt trội hơn các tàu của Mỹ, với hai khẩu pháo chính 76,2 mm so với một khẩu pháo chính 57 mm trên tàu Mỹ.

"Kích thước khổng lồ cho phép CCG-5901 tạo ra sự đe dọa các nước láng giềng trong khi tránh được những tác động leo thang khi gửi các tàu dân quân đến khu vực", ông Powell nói.

Carl Schuster, cựu giám đốc tại Trung tâm tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ cho biết quy mô và thủy thủ đoàn của CCG-5901 cho phép nó trở thành tàu chỉ huy trung tâm cho một chiến dịch lớn hơn. Ông lưu ý rằng một tàu sân bay hải quân Trung Quốc cũng đang hoạt động gần Philippines trong những tuần gần đây và sự kết hợp của cả hai là một nỗ lực phối hợp nhằm phô diễn sức mạnh trên biển áp đảo của Trung Quốc trước Manila.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại