Quá trình hội tụ của Trung Quốc (TQ) với phương Tây – bắt đầu từ thời ông Đặng Tiểu Bình hồi thập niên 1970 – đang đứng trước một ngã ba.
Các thay đổi gần đây trong chính sách và hoạt động địa chính trị, chủ yếu do Mỹ dẫn đầu, đã đưa TQ tới một lựa chọn khắc nghiệt hoặc tiếp song hành với phương Tây theo các luật chơi đa phương như đã làm trong bốn thập niên qua, hoặc tách ra và đi con đường riêng của mình. Đây là nhận định của Giáo sư Cédomir Nestorovic về tiếp thị quốc tế và địa chính trị ở Trường Kinh doanh ESSEC (Pháp) trong một bài viết trên báo SCMP.
Nhiệm kỳ hai của ông Trump là ám ảnh với TQ
Lúc này là thời điểm cho TQ tính toán phương án nào là thiết thực nhất, có lợi nhất cho sự phát triển của mình trong thế kỷ 21. Trong sự tính toán con đường nào tốt nhất cho quyền lợi của TQ có bóng dáng của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ - ông Donals Trump. Viễn cảnh ông Trump thắng tiếp nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài sẽ là nỗi ám ảnh với các lãnh đạo TQ.
Thêm nữa, lịch sử chính trị Mỹ cho chúng ta thấy chuyện triều đại ông Trump sẽ được kế nhiệm là không phải là chuyện không thể hiểu được. Và người kế nhiệm có thể là cô Ivanka Trump – con gái ông Trump, hoặc ông Jared Kushner – con rể ông Trump, hoặc có thể là các phó tướng Mike Pence – Phó Tổng thống Mỹ hiện tại, hoặc ông Mike Pompeo – Ngoại trưởng Mỹ hiện tại. Mỹ đã có hai triều đại Kennedy và Bush, vậy tại sao không thể có triều đại Trump?
Nếu điều này xảy ra, TQ sẽ phải căng mình chịu đựng thêm cả một thập niên nữa của triều đại Trump và sự gập ghềnh trong quan hệ song phương, mà khi đó mọi bước đi của TQ đều bị coi là sự đe dọa với vị thế của Mỹ.
Thường thì các chính sách từ một chính phủ Mỹ này chuyển sang chính phủ Mỹ kế nhiệm không có nhiều ảnh hưởng lên TQ. Tám năm cầm quyền của một tổng thống Mỹ không là gì so với sự lãnh đạo liên tục của đảng Cộng sản TQ.
Tuy nhiên điều này có vẻ không đúng với trường hợp ông Trump. Hay nói cách khác, với TQ, tám năm làm tổng thống của ông Trump với TQ giống như là vô tận. TQ đã không còn sự chờ đợi xa xỉ rằng chính sách Trump sẽ biến mất. TQ không thể đứng yên khi Mỹ trừng phạt hết công ty này đến công ty khác của mình và sử dụng “các phương pháp cánh tay vươn dài” để cưỡng ép các nước khác đi theo sự dẫn đầu của Mỹ.
TQ sẽ tính toán bước đi
Một phương án cho TQ là định hình lại thế giới theo ưu thế của mình, theo sau sự rút lui khỏi sự toàn cầu hóa của Mỹ. TQ có thể tác động đến các tổ chức đa phương như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới…vốn có thể định hình trật tự dựa trên quy định quốc tế.
Việc Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bảo vệ mạnh mẽ sự toàn cầu hóa tại Diễn đàn Kinh tế Davos năm 2017 là một lời kêu gọi các công ty TQ tiếp tục sự quốc tế hóa của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang không cho thấy sự mặn mà với toàn cầu hóa thì tại sao TQ phải là nhà bảo vệ hàng đầu một hệ thống mà nước này không được tối đa hóa lợi ích từ đó?
Một phương án nữa cho TQ là tập trung phát triển kiểu mẫu kinh tế của mình. Sáng kiến Vành đai và Con đường củng cố thông điệp của ông Tập là TQ cởi mở với kinh doanh. Mở các cơ sở kinh tế dọc con đường này sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế của TQ cũng như của các nước đối tác.
Thật sự nhiều nước đối tác này vẫn thèm muốn mức tăng trưởng GDP 6%-6,5% mỗi năm của TQ, và đánh giá hình mẫu kinh tế của TQ hiệu quả hơn nhiều hình mẫu kinh tế của các nước phương Tây.
TQ đang thách thức vị trí đứng đầu về công nghệ của Mỹ ở một số lĩnh vực từ trí tuệ thông minh cho tới máy tính lượng tử. Cuộc thương chiến hiện nay giữa hai nước đã thúc giục các công ty TQ đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ.
Cảm nhận được đe dọa này, chính phủ Mỹ đã dựa vào các chính sách an ninh quốc gia của mình để trừng phạt các công ty TQ, Giáo sư Nestorovic nhận định. Hồi tháng 5, Mỹ liệt tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei của TQ vào danh sách đen thương mại, cấm các công ty Mỹ làm ăn với các công ty nước ngoài mà chính phủ Mỹ xem là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Theo Giáo sư Nestorovic, động thái này gây hại không ít cho Mỹ khi năm ngoái Huawei đã mang lại tới 11 tỉ USD thu nhập cho các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron.
Dĩ nhiên cuộc thương chiến làm TQ tổn thương, nhưng viễn cảnh nó phá hủy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không nhiều. Thực ra TQ có thể có lý do để tin mình đủ mạnh để không chỉ sống sót khi tách rời luật chơi đa phương mà còn có thể đạt được thành công lớn.
Tách rời cứng hay tách rời mềm?
Câu hỏi còn lại là: tình hình tệ tới mức nào thì TQ sẽ viện tới bước tách rời khỏi luật chơi đa phương toàn cầu mà nước này đã công nhận từ khi ông Đặng Tiểu Bình giới thiệu chính sách kinh tế mở cửa?
Có thể có tách rời cứng hoặc tách rời mềm . Với TQ, tách rời mềm có nghĩa phát triển hệ thống kinh tế của riêng mình trong khi vẫn tiếp tục gắn bó với các tổ chức hiện tại ở phương Tây. Cách này sẽ cho phép TQ có thêm thời gian chờ đến khi Mỹ quay lại với chính sách ủng hộ toàn cầu hóa hoặc có cách tiếp cận ít đối đầu hơn.
Tách rời cứng sẽ quyết liệt hơn, sẽ bao gồm tránh ra các tổ chức đa phương, theo đuổi các chính sách vì quyền lợi của chính mình, và ở mức độ nào đó tái diễn lại một dạng đối đầu chiến tranh lạnh trong đó TQ và Mỹ phát triển hai hệ thống kinh tế không tương thích với nhau.
Tranh của họa sĩ Stephen Case về cạnh tranh “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và "Sản xuất tại Trung Quốc ".
Nói đến tách rời cứng có thể liên tưởng đến động thái tương tự của Liên bang Xô viết hồi thập niên 1960. Nếu Liên Xô có thể làm điều này hồi thập niên 1960 thì tại sao TQ không thể thực hiện nó trong thập niên 2020, Giáo sư Nestorovic đặt câu hỏi.
Trong thời điểm và bối cảnh này, có vẻ TQ sẽ không lựa chọn cách tách rời cứng. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi. Nếu các công ty TQ bị chặn một cách có hệ thống khỏi các thị trường quan trọng hàng đầu của thế giới, nếu sinh viên TQ không được chào đón ở Mỹ, và nếu TQ mất tính cạnh tranh, thì tất cả các phương án đều sẽ được cân nhắc.
Lịch sử cho chúng ta thấy một khi đến nước phải ra quyết định khó khăn, TQ không thiếu quyết tâm. Vì vậy, theo Giáo sự Nestorovic, có thể các nước phương Tây nên nghĩ một cách cẩn thận hơn về việc ra các chính sách có thể sẽ buộc TQ ra các chính sách mà có nguy cơ mang lại những hậu quả nghiêm trọng và không chỉnh sửa được.