"Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết ông sẽ sớm đưa ra yêu cầu chính thức để mua thêm các máy bay từ Mỹ", thông cáo báo chí của chính phủ Philippines cho biết. Cụ thể, Philippines đang lên kế hoạch mua các máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-3 của Mỹ.
"Sẽ là rất tốt nếu chúng ta mua được thậm chỉ chỉ là một chiếc máy bay P-3 Orion", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã công khai nói như vậy. Theo lời ông Lorenzana, máy bay tuần tra của Mỹ sẽ giúp tăng cường khả năng của Philippines trong việc giám sát khu vực. Những chiếc máy bay tuần tra Orion sẽ "rất quan trọng bởi nó giúp tăng cường nhận thức khu vực trên biển", vị quan chức quân sự cấp cao của Philippines cho hay.
P-3 Orion được liệt vào danh sách các "sát thủ săn tàu ngầm". P-3 Orion do Tập đoàn Lockheed của Mỹ nghiên cứu phát triển. Nó được thiết kế để dùng cho nhiệm vụ tuần tra biển, trinh sát, tác chiến chống tàu mặt nước và tác chiến chống ngầm. P-3 lắp 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Allison T56-A-14 (công suất 4.600 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ tối đa 750km/h, bán kính chiến đấu 2.490km, trần bay 10.400m, hoạt động liên tục trên không 16 tiếng. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và những "bộ máy" giúp P-3 săn lùng tàu ngầm.
Về hệ thống vũ khí săn tàu ngầm, P-3 Orion thiết kế với khoang chứa trong thân và 10 giá treo trên cánh mang được 9,1 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối hạm tầm ngắn AGM-84, bom thông thường, bom hạt nhân, ngư lôi chống ngầm. Với số lượng vũ khí khổng lồ này, nó hoàn toàn có thể đánh chìm không chỉ một tàu ngầm mà nhiều chiếc, hơn nữa nó có khả năng đánh chìm chiến hạm mặt nước.
Thông tin về việc Philippines có ý định mua các máy bay tuần tra P-3 Orion rất mạnh của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu và bất an. Bắc Kinh cũng không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng trước động thái mới của Manila khi mà họ đang rất yên tâm trước lập trường dịu nhẹ của chính quyền Tổng thống Duterte.
Dưới thời ông Duterte, Philippines ngày càng trở nên thân thiết với Trung Quốc. Tổng thống Duterte từng không ngần ngại tuyên bố, ông này sẽ không mạo hiểm đối đầu với Trung Quốc đồng thời nhiều lần công khai tuyên bố để ngỏ khả năng khai thác và phát triển chung với Trung Quốc ở những khu vực lãnh hải giàu tài nguyên ở Biển Đông.
Các nghị sĩ Philippines đã chỉ trích Tổng thống Duterte vì không đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy tình bạn với Trung Quốc bất chấp việc tòa án quốc tế ở The Hague năm 2016 đã đưa ra một phán quyết có lợi cho Manila trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.
Nếu như chính quyền tiền nhiệm của ông Duterte áp dụng một lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông thì ông Duterte lại mềm dịu một cách bất ngờ với nước láng giềng trong vấn đề này. Tổng thống Duterte còn sẵn sàng quay lưng với đồng minh Mỹ để tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc.
Thông tin về việc Philippines bất ngờ có ý định mua vũ khí của Mỹ để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra sau khi xảy ra vụ việc tàu cá của Trung Quốc hồi tháng Sáu đã đâm vào một tàu của Philippines ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông rồi sau đó bỏ mặc tàu của Philippines cùng các ngư dân. Rất may, các ngư dân của tàu bị đâm đã được tàu của Việt Nam cứu giúp. Vụ đâm tàu của Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn ở đất nước Philippines.